Bầu Kiên: Ông chủ “dị” nhất của bóng đá Việt Nam

16:27 Thứ bảy 31/12/2011

Không ai gọi bầu Kiên là Kiên “dị”, song, nên biết rằng ông “dị” hơn bất cứ người nào.

Nhân vật đình đám nhất trong giới ông chủ bóng đá Việt Nam hiện nay là bầu Kiên – chủ tịch Nguyễn Đức Kiên của HN. ACB. Bài phát biểu “bom tấn” của ông tại buổi họp của VFF hồi cuối năm vừa qua đã làm thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam một cách nhanh chóng và rầm rộ. Không ai gọi bầu Kiên là Kiên “dị”, song, nên biết rằng ông “dị” hơn bất cứ người nào.

Nếu ông Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên đặt nền móng cho sự thống trị của các “ông bầu” trong bóng đá Việt Nam, thì ông Nguyễn Đức Kiên là người tạo nên bước ngoặt lớn nhất tính đến thời điểm này đối với giới ông chủ trong làng túc cầu Việt. Nói về bầu Kiên, rất nhiều chuyện liên quan đến nhà doanh nhân tóc bạc này đã đi vào … giai thoại, thật 100% cũng có mà do dư luận hiếu kỳ thêu dệt nên cũng có. Đa phần là những chuyện ly kỳ.

Bầu Kiên có cách làm riêng

Đặc điểm dễ nhận dạng nhất của bầu Kiên là mái tóc bạc. Có người độc mồm nói ông xấu máu – điều này có thể hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Quả thật, tuổi ông Kiên mới chưa đến 50 (ông sinh năm 1954), nhưng, tóc ông đã bạc trắng từ đời nảo đời nào. Ông lùn và thấp. Hồi năm 2000, ông chơi sang mua chiếc Honda @ chạy quanh khu phố cổ Hà Nội. Người dân bên đường còn cược nhau xem lúc dừng xe, ông có chống chân nổi hay không.

Ông Kiên nổi tiếng nhất ở lĩnh vực ngân hàng. Nói đến bầu Kiên, người ta lập tức nghĩ ngay đến ngân hàng ACB, nơi ông là một trong những thành viên của hội đồng sáng lập. Ông rất giàu. Theo số liệu thống kê năm 2008, ông là người giàu thứ 13 của Việt Nam. Nhưng đấy chỉ là con số. Bản thân ông từng nói với tiền vệ Thành Lương rằng: “Tiền chú không thiếu. Chú là người giàu nhất Việt Nam, cháu không biết à?”. Ông sở hữu ngôi biệt thự hàng ngàn m2 trông ra Hồ Tây lộng gió. Ông đi xe Bentley đời mới. Ông tham gia kinh doanh ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng, đam mê của ông đặt vào bóng đá.

Ông Kiên thâu tóm CLB Công an Hà Nội và Đường sắt Việt Nam với giấc mơ làm bóng đá theo kiểu … Tây, tức là sống dựa vào bán vé. Nhưng, như tất cả đều có thể thấy, ước vọng đó không thực tế. Ông nuôi đội bóng theo cách của mình, không vung tiền như rải lá, không bao giờ nghĩ đến chuyện lót tay. Với ông, lương cầu thủ 10 triệu/tháng đã là nhiều, trả lương phải dựa vào tài năng của cầu thủ chứ không phải chạy theo thị trường.

Giới cầu thủ Việt ngày càng khó chiều. Họ đòi hỏi nhiều hơn về mặt tiền bạc, không có tiền, không đá bóng. Bầu Kiên cũng phải đối đầu với nhiều lần “đình công” của các cầu thủ trong đội. Năm trước, HN. ACB vô định lượt đi, song, các cầu thủ chờ mãi vẫn không thấy thưởng. Thế là trò “ăn vạ” xuất hiện. Đến lượt về, HN. ACB thua thảm hại, gần bị các đối thủ bắt kịp. Một cuộc họp khẩn được tổ chức, kết thúc bằng câu “chốt hạ” của bầu Kiên: “Các anh đừng gây áp lực về tiền bạc với tôi”. Thế là hết chuyện, HN. ACB trở lại guồng chiến thắng.

Trong số các cầu thủ của bầu Kiên, được yêu quý nhất là Thành Lương, mà khổ nhất có lẽ cũng là tiền vệ này. Bầu Kiên tuyên bố: “Thành Lương không phải để bán”, và ông giữ lời. Đã có lúc Hải Phòng chồng lên bàn 10 tỷ, Thể Công chi bạo với lời đề nghị 15 tỷ để có chữ ký của Lương “dị”. Nhưng, Lương “dị” một thì ông Kiên “dị” gấp 2. Khi Thành Lương nêu nguyện vọng ra đi trước toàn đội, bầu Kiên chỉ gật gù: “Đội nào muốn lấy cháu cũng đưa tiền đi trước. Nhưng, tiền thì chú không thiếu. Chú giàu nhất Việt Nam, cháu biết rồi còn gì?!”. Vậy là, Thành Lương phải chịu.

Sự hành xử có phần khác thường của bầu Kiên khiến các cầu thủ đôi lúc muốn chống lại, song, họ không thể. Bởi, xét cho cùng, bầu Kiên rất sòng phẳng trong chuyện tiền nong. Tiền thưởng của các trận không phải là lớn so với những đội bóng khác – vào khoảng 200 – 300 triệu/trận – nhưng cứ đầu tuần là giải ngân, không chậm một ngày. Ông không thưởng đợt nào ở lượt đi, song, khi đội vô địch cuối mùa giải, ông lập tức chuyển cho quỹ đội 1,5 tỷ.

Trong con mắt của nhiều người, bầu Kiên là người keo kiệt, tính toán, song, ông là người chung thủy. Ông nói: tôi không bỏ ai bao giờ, còn nếu ai bỏ tôi, đấy là chuyện khác. Ví như, chuyện của cầu thủ Trịnh Phong Thu. Khi anh xuống phong độ quá nhiều, HLV Mauricio Luis gạch tên Phong Thu, ông Kiên gọi Thu lên và bảo: “Buly không dùng cháu, chú phải tôn trọng Buly. Nhưng, chú sẽ nuôi cháu”. Vậy là, dù không thi đấu, Phong Thu vẫn được trả lương.

Ông Kiên yêu bóng đá theo cách rất riêng, ông không muốn bỏ tiền mua danh hiệu, ông chỉ yêu những cuộc đấu sòng phẳng. Ông làm bóng đá để thỏa mãn thú chơi chứ không phải để làm thương hiệu. Ông có thể bay hàng ngàn cây số chỉ để xem một trận đấu của HN. ACB. Vì thế, mỗi lúc đội bóng thất bại, ông là người đau khổ nhất trên sân.

Đại gia Nguyễn Đức Kiên đang đặt mình vào vị trí mới, nhóm những người lèo lái tương lai của bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam với vị trí phó chủ tịch Công ty bóng đá VPF. Thử thách lớn lao trước mắt sẽ là cơ hội để ông chứng minh tình yêu bóng đá và những ấp ủ, đam mê đối với môn thể thao khó tính này.
Tuấn Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục