![]() |
ADC Tour of Việt Nam 2012 thực sự là bài học bổ ích cho xe đạp Việt Nam, cả về khía cạnh tổ chức cũng như chất lượng chuyên môn. Ảnh: Quang Nhựt |
Để có thể tổ chức được giải đấu này, ngoài những điều kiện ngặt nghèo về tài chính mà UCI đưa ra cho đối tác ADC, một thay đổi lớn nữa mà UCI bắt buộc BTC giải phải tuân thủ giờ giấc diễn ra các chặng đua. Không như các cuộc đua ở Việt Nam thông thường diễn ra khoảng 7h sáng, thời gian các VĐV phải dậy rất sớm và tranh thủ ăn uống rất vất vả trước cuộc đua thì cuộc đua này phải được diễn ra vào 10h sáng để các tay đua có điều kiện ăn uống, hồi phục. Và khung giờ này đang gây ra sự vất vả cho 8 CLB xe đạp mạnh nhất Việt Nam đủ điều kiện dự ADC Tour of Việt Nam 2012. Các tay đua Việt Nam từ chỗ được chơi trên sân nhà, với thuận lợi là đã quen với điều kiện thời tiết cũng như cung đường bỗng nhiên trở nên rất vất vả khi phải đối chọi với cái nắng quá khắt nghiệt ở Nam Bộ mùa này.
Quãng đường chặng đua đầu tiên từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ chỉ dài 160 km, một hành trình quá quen thuộc và được xếp vào loại nhẹ ký với các cuarơ Việt Nam, nhưng có thể nó sẽ là chặng đua khốc liệt nhất trong cuộc đời họ. Bởi lẽ, ngoài thời tiết nóng như thiêu đốt (các tay đua phải đua từ 10h sáng đến 2h chiều), cuarơ chủ nhà còn phải đối chọi với tốc độ khủng khiếp của những VĐV ngoại.
Tốc độ của đoàn đua hôm qua lên đến hơn 45 km/h, điều chưa từng có dù trong điều kiện thời tiết thuận lợi trong các cuộc đua ở Việt Nam (con số này chỉ dừng ở mức trên 42 km/h), cho thấy sự khác biệt của một Tour quốc tế. Chỉ trong một lộ trình ngắn, chủ yếu là đường trường và không nhiều dốc cao, nhưng sau 2 giờ thi đấu đã hình thành 2 tốp đua. Và khi cách đích chừng 30 km, đoàn đua thậm chí đã chia làm 4 tốp. Trong 7 VĐV hình thành tốp đầu khi về đích, không có một cuarơ nào của nước chủ nhà.
Đua xe đạp đề cao nỗ lực của các cá nhân hơn là tập thể, yếu tố đó khiến cuộc đua thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn. Có thể vì thế mà theo quy định của UCI, những VĐV về nhất mỗi chặng đua đều được thưởng lớn. Chức vô địch đồng đội ở các giải đấu không chỉ có ở ADC Tour of Việt Nam 2012 mà còn nhiều giải khác cũng không có giá trị lớn. Phần thưởng cho người về nhất chặng (16 triệu đồng), Áo vàng 50 triệu đồng thì đội đua đoạt chức vô địch đồng đội của cả một Tour đấu chỉ là 20 triệu đồng. Như thế, cũng không mấy ý nghĩa với các đội đua.
Điều này khác với những gì đang diễn ra ở làng xe đạp Việt Nam, khi giải thưởng đồng đội được coi trọng ngang ngửa Áo vàng. Chính điều này khiến nhiều đội đua chỉ với mục đích “kèm cặp” nhau hơn là bứt phá về đích, tạo hứng khởi cho cuộc đua.
Chứng kiến các VĐV nước ngoài bứt tốc độ (giới chuyên môn gọi vắn tắt là đi “nước lớn”) hôm qua, không ít người trong nghề kỳ cựu từng đi theo đoàn đua ở làng xe đạp Việt Nam phải trầm trồ. Mặc cho đối thủ kèm cặp, họ vẫn duy trì tốc độ cao. Đến khi đối thủ không thể bám đuổi, họ vẫn bứt phá.
Tiếp xúc với các HLV thuộc những CLB Việt Nam, họ hầu như chỉ biết lắc đầu khi kết thúc chặng đua: “Các tay đua nước ngoài đẳng cấp quá. Họ duy trì một tốc độ khó tin trên đường đua nhưng vẫn đảm bảo thể lực để về đích. VĐV của mình lỡ gặp sự cố bể vỏ giữa cuộc đua thì coi như hết hy vọng bắt kịp tốp đầu”.
Và đã có không ít ý kiến lo ngại nếu tình trạng này kéo dài trong 5 chặng đua nữa, không biết các cuarơ Việt Nam có đủ sức khỏe để đeo bám không chứ chưa nói đến việc cạnh tranh thành tích.
Dẫu sao, như thừa nhận của người trong cuộc, ADC Tour of Việt Nam 2012 thực sự là bài học bổ ích cho xe đạp Việt Nam. Một giải đấu cấp độ nhỏ nhất của UCI nhưng cũng đủ kiểm chứng năng lực của các đội đua Việt Nam. Xe đạp Việt Nam còn phải học nhiều nếu muốn nhìn ra biển lớn.
|