Ít ai biết đằng sau bảng vàng thành tích ba tấm HCV liên tiếp tại các kỳ SEA Games vừa qua, là những tháng ngày mướt mồ hôi trên sân tập của “nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc (Hòa Vang, Đà Nẵng). Truyền thống gia đình điền kinh cùng tố chất riêng khiến Thanh Phúc sớm thành “dị nhân” ở môn thi đấu này.
Đi bộ đến vinh quang
15h, nắng rát chân khu sân điền kinh Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Thanh Phúc vẫn sải những bước điêu luyện. Dáng người nhỏ, ngăm đen “ăn” nắng, Phúc tiến về đích như một con sóc dù… đi bộ. “Về Việt Nam sau SEA Games 28 là mình lao vào tập luyện ngay, văn ôn võ luyện mà!”, Phúc nói. Khó khăn lắm, PV mới có cái hẹn ở sân vân động, chứng kiến sự “khổ luyện” của “nữ hoàng đi bộ” Thanh Phúc. “Tấm HCV thứ ba ở kỳ SEA Games 28 vừa qua rất ý nghĩa và đầy khó khăn, thử thách. Đi bộ 20 km là nội dung “mở hàng” cho môn điền kinh tại kỳ SEA Games này nên áp lực tứ bề, kỳ vọng lớn, đòi hỏi mình phải tập trung cao độ,” Phúc kể.
![]() |
Nguyễn Thị Thanh Phúc đoạt huy chương Vàng tại SEA Games 28. Ảnh: Internet. |
“Lúc sang Singapore, mình được thông báo thi vào lúc 19h. Nhưng sau lại đổi lịch lên 16h. Thời tiết lúc đó oi nóng, bất lợi, cơ thể dễ mất nước, hao sức nhanh,” Phúc cho biết. Tuy nhiên, đẳng cấp VĐV chuyên nghiệp giúp Phúc vượt qua các điều kiện bất lợi, đạt HCV nội dung đi bộ 20 km, với thành tích 1h43’22” (bỏ xa VĐV giành HCB gần hai phút. “Kết quả có thể chưa được như kỳ vọng, nhưng trong điều kiện khách quan lúc bấy giờ, cả HLV và mình chọn đấu pháp nghiêm ngặt, an toàn nhất để có cơ hội tốt nhất,” Phúc nói.
Phúc ghi tên mình vào danh sách VĐV đầu tiên của Việt Nam giành huy chương ở nội dung đi bộ 20 km, và là lần thứ ba liên tiếp bảo vệ chiếc HCV danh giá.
Nhiều người gọi “dị nhân” trên đường đua đi bộ, Phúc cười hiền lý giải: “Có lẽ hồi nhỏ nhà mình nghèo chẳng có tiền mua xe đạp, mấy chị em rủ nhau băng núi đi bộ. Đi miết cái chân nó khỏe, bền sức. Ở bộ môn này quan trọng là tính kiên trì…”.
Nhà Phúc cách trung tâm Đà Nẵng hơn 20 km, nằm sâu trong dãy núi Hòa Khê (thôn Hòa Khê, Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ Thanh Phúc) nhớ như in những tháng ngày gian khổ nhưng tự hào: “Hồi đó quanh khu này toàn rừng núi hoang vu, chưa có đường sá to đẹp như bây giờ. Tôi với con Phúc ngày nào cũng lên rừng hái đót, rồi thấy gì nhặt đó đem về chợ bán kiếm tiền,” bà Hoa kể. Cứ thế, mỗi ngày, từ sáng sớm, Phúc theo mẹ lên rừng hái đót rồi xuống chợ Hòa Khánh (cách nhà gần chục cây số) để bán, rồi rong ruổi đến trường học. Cũng nhờ những lần chân trần vượt núi, hạ sơn đó, Phúc sớm tôi luyện phẩm chất VĐV môn điền kinh. Theo bà Hoa, từ nhỏ Phúc đã tỏ ra là cô bé gan lì và có sức dẻo dai đáng nể.
Chật nhà vì… huy chương
Có 7 mặt con, gia đình bà Hoa tần tảo nuôi các con lên người. Căn nhà nhỏ hiện treo kín các bảng vàng thành tích, huy chương của hai chị em Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng. Ngay ở những lần đầu tham dự giải đấu SEA Games 26, hai chị em Phúc - Ngưng đều lập kỳ tích. Cái duyên đến với “nghề VĐV”của hai chị em cũng thật tình cờ. Trong lần được người chị cả Nguyễn Thị Thanh Nhiễm (lúc đó đang là VĐV chạy cự ly dài) dắt xuống trung tâm chơi, Phúc thấy chị mình tập vất vả nên vào tập cùng nhằm động viên chị. Những đường tập luyện của Phúc nhanh chóng lọt “mắt xanh” của HLV Trần Anh Hiệp và được tham gia vào đội điền kinh của thành phố. Năm đó Phúc học lớp 7. “Ban đầu gia đình không muốn cho con bé đi, nhưng nó thích quá nên cũng đành bấm bụng chiều ý con,” bà Hoa kể. Hết Phúc lại đến Ngưng, cậu em được chị Phúc chở xuống trung tâm chơi, rồi cũng tập thử, chạy thử... Một lần nữa, HLV Trần Anh Hiệp lên tận nhà thuyết phục gia đình cho Thành Ngưng làm VĐV điền kinh.
Nhà có gần chục thành viên thì hầu hết theo nghiệp điền kinh. Từ bố mẹ đến chị Nhiễm, tới Phúc rồi Ngưng, người em Hồng Duyên cũng đang là 1 VĐV trong đội điền kinh trẻ của Đà Nẵng. Được biết, Ánh Tố cũng đã đăng ký thi vào trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng trong kỳ thi chung quốc gia.
Miệt mài tập luyện gian khổ nhưng Phúc vẫn nỗ lực hoàn thành các năm đại học chính quy của mình. Tháng 9, Thanh Phúc sẽ chính thức tốt nghiệp đại học, trở thành tân cử nhân của trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng. “Từ nhỏ mình đã thích được đến trường như nhiều bạn cùng tuổi. Những kỷ niệm cắp sách không phải VĐV nào cũng có cơ hội trải qua vì đặc thù riêng,” Phúc bộc bạch. Suốt những năm tháng học phổ thông đến đại học, trong lúc các bạn học buổi tối tại trung tâm, Phúc vẫn ngày ngày đi bộ xuống trường chắp cánh ước mơ học tập.
Phúc kể, từng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để theo học đại học. Đặc thù nghề nghiệp của Phúc là phải tập luyện ngày đêm mới mong đạt thành tích cao. Có lúc Phúc đã định bỏ nghiệp điền kinh. Nhưng rồi tìm cách dung hòa. Mỗi ngày rời giảng đường là Phúc lao ngay ra sân tập luyện. Những lúc thi cử, Phúc phải rất vất vả để xin HLV cho nghỉ tập đi thi. Phúc cũng nhiều lần phải xin nhà trường cho học bổ sung vì vướng những lúc thi đấu xa nhà. Sự nghiệp VĐV có hạn, Thanh Phúc đang nỗ lực tự tìm cho mình một hướng đi riêng đầy nghị lực, quyết tâm.