Rất dễ hiểu cho thái độ công khai làm xấu mặt mình của Myanmar bởi cái lệ làng tồn tại lâu nay là việc đưa các môn… không ai chơi vào SEA Games phải có sự đồng thuận của ba quốc gia mới được tổ chức. Thế nên Myanmar ở môn sở trường truyền thống của mình không thể thâu tóm hết huy chương mà phải biết san sẻ với các đối thủ để lần sau còn có bạn chơi.
![]() |
Cứ mỗi mùa đại hội thể thao Đông Nam Á lại xảy ra rất nhiều chuyện cười ra nước mắt với cái kiểu toan tính ích kỷ và chật chội trong ao làng. Rõ nhất là nước chủ nhà luôn chắc chắn phải nhất toàn đoàn và ra sức o ép, chia chác với các đối thủ. Chẳng hạn, thể thao Myanmar phát triển cỡ nào mà mới hai năm trước chỉ đủ sức đoạt 16 HCV, xếp hạng bảy Đông Nam Á thì bây giờ dũng cảm đăng ký 100 HCV và đứng nhất SEA Games 27? Thế nhưng ai cũng tin chủ nhà sẽ thỏa mãn và đấy là chuyện quá đỗi bình thường ở làng.
Nhiều chuyên gia “săn vàng” của thể thao Việt Nam ra sức bao biện cho việc vơ vét huy chương SEA Games rằng nên hiểu đại hội thể thao trong khu vực là một cơ hội giới thiệu môn mới và thắt chặt tình đoàn kết các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhìn vào cái kiểu “bóp” của các đoàn chủ nhà ở các môn chỉ tồn tại nội bộ quốc gia và sau đó những nước đồng thuận không ai còn chơi môn đó nữa mới thấy hết sự mâu thuẫn lẫn thói quen chạy theo thành tích. Còn nhớ thể thao Việt Nam từng đưa thêm nhiều nội dung thi đấu ở các môn võ, vật, lặn,… để gặt hái đến 158 HCV và vô địch Đông Nam Á nhưng cứ mỗi lần xa nhà lại khiêm tốn xấp xỉ 70 HCV.
Chính bởi sự tham vàng vô độ của chủ nhà SEA Games khiến cho thể thao Đông Nam Á ngày càng xa rời tôn chỉ fair play, còn trình độ thì sa sút trầm trọng ở các môn thi đấu Olympic.
Thật đau lòng với họ chấp nhận lấy uy tín và danh dự của mình ra đánh đổi chỉ để thỏa mãn những giấc mơ vàng cỏn con chẳng có giá trị với thể thao thế giới.