Phía sau một cuộc chia tay

16:56 Thứ sáu 28/11/2014

Ngày 19-9-2014, tay vợt nữ người Trung Quốc đã chính thức tuyên bố giã từ sự nghiệp quần vợt đỉnh cao ở tuổi 32. Trong bảng xếp hạng của quần vợt nhà nghề nữ thế giới (WTA) ngày 6-10, tên của Li Na vẫn ở vị trí số 5 với số điểm 5.020. Tuy nhiên trong mục thông tin về VĐV, tổ chức này đã chính thức xác nhận: Li Na sinh ngày 26-2-1982 tại Vũ Hán (Trung Quốc), cao 1m72 nặng 65kg, thuận tay phải. Bắt đầu tham gia quần vợt chuyên nghiệp năm 1999 và kết thúc vào ngày 19-9-2014.

Li Na, không chỉ được coi là người hùng của thể thao Trung Quốc mà còn là tượng đài của quần vợt nữ châu Á khi tính đến thời điểm hiện tại, cô là tay vợt nữ duy nhất của châu lục này giành hai giải Grand Slam và có thời gian là tay vợt số 2 thế giới. Gia nhập quần vợt nhà nghề năm 17 tuổi nhưng phải mất 6 năm sau thành tích cao nhất của cô là mời lọt vào vòng ba một giải Grand Slam ở nội dung đánh đôi (Giải Mỹ mở rộng 2005).

Nhưng cũng chính ở tuổi 26, Li Na bắt đầu khẳng định vị trí của tay vợt nữ số 1 châu lục trong sân chơi chuyên nghiệp bằng việc lọt vào tứ kết đơn nữ Wimbledon 2006. Tôi không muốn lược kê thành tích của Li Na trong cuộc chinh phục ở thời gian sau đó bởi tất cả đều có thể tìm kiếm trên Google. Nhưng với chiến tích vô địch Roland Garross năm 2011 và đặc biệt là danh hiệu vô địch giải Úc mở rộng năm 2014 đã đưa tay vợt nữ châu Á này lên hạng 2 trong bảng xếp hạng quần vợt nữ thế giới (17-2-2014). Thậm chí năm 2013, tạp chí Time đã đưa tay vợt nữ này vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.

Ngay từ khi Li Na giành chiến thắng trên sân đất nên năm 2011 tôi đã viết: “Chính thời khắc này, cái tên Li Na vụt trở thành niềm tự hào không chỉ của người Trung Quốc".

Nhưng khi Li Na đang nâng cao chiếc cúp vô địch bên tháp Eiffel thì người ta bắt đầu nhắc đến một dấu ấn khác của tay vợt nữ đó là sự “nổi loạn”. Cũng như bao thế hệ vận động viên Trung Quốc thời 8X, đều xuất thân trong cái nôi bao cấp – chương trình đào tạo năng khiếu cấp Nhà nước của chính phủ. Nhờ sự đầu tư căn bản từ ngân sách của Nhà nước, lớp VĐV như Li Na mới có thể tiếp cận thể thao, sống và tập luyện trong những điều kiện tốt hơn rất nhiều trẻ em cùng trang lứa. Không thể phủ nhận thực tế, ở Trung Quốc (cũng như ở Việt Nam), mô hình đào tạo “gà nòi” bằng sự bảo trợ ngân sách của Nhà nước đã giúp những trẻ em có năng khiếu được phát hiện và đào tạo qua các trường năng khiếu nghiêm ngặt đã giúp nhiều tài năng tỏa sáng.

Chính vì vậy năm 2008 việc Li Na tách khỏi sự bảo trợ của Nhà nước, tự chọn HLV và được quyền tham gia giải đấu nào mà cô thích (tất nhiên là bằng kinh phí tự túc), có nghĩa là tự quyết định không phụ thuộc vào Liên đoàn hay Ban huấn luyện… đã được coi là sự nổi loạn chưa từng có trong hệ thống đào tạo, huấn luyện thời bấy giờ. Rất nhiều nhà quản lý thể thao của Trung Quốc lo sợ sự kiện Li Na sẽ ảnh hưởng đến “gà nòi” của mình đã tìm cách ngăn cản. Nhưng một khi gia nhập vào sân chơi chuyên nghiệp, người VĐV được bảo vệ bằng những quy ước riêng. Không thể cấm Li Na ra nước ngoài khi đấu và tổ chức Liên đoàn sở tại cũng không thể can thiệp khi từ năm 1999, Li Na đã có tên (có điểm trong hệ thống WTA – hạng 136 năm 2002) trong danh sách các tay vợt nhà nghề. Phải nhắc đến điều này để khẳng định khi tay vợt đã bước ra sân chơi quốc tế thì việc cản trở họ bằng định kiến của bao cấp (xin, cho) gần như không còn tác dụng.

Từ một ngôi sao lặng lẽ, Li Na vụt trở nên sáng chói. Và chiến tích của Li Na trong làng quần vợt đỉnh cao cũng như bước ngoặt tách khỏi cơ chế để chơi chuyên nghiệp theo cách chuyên nghiệp đã đưa cái tên Li Na thành một huyền thoại.

Trong danh sách 100 tay vợt nữ mạnh nhất thế giới của tổ chức WTA hiện nay sau Li Na còn có 5 cái tên của các tay vợt châu Á (trong đó có đến ba người của Trung Quốc). Tuy nhiên, hy vọng về sự kế thừa gần như vô vọng. Tay vợt có thứ hạng cao nhất – Peng Shuai (hạng 22, cao 1m77) cũng đã 28 tuổi. Người Nhật có thể hy vọng về Kurumi Nara khi cô mới 23 tuổi (hạng 36) hay người Thái Lan hy vọng về Kumkhum Luksika (hạng 93) khi cô 21 tuổi. Nhưng Nara chỉ cao 1m55, Kumkhum cao 1m67 nhưng nặng tới 67kg. Trong sân chơi của quần vợt đỉnh cao, thể hình luôn là yếu tố quyết định của đẳng cấp.

Chính vì điều đó, việc chia tay với quần vợt đỉnh cao ở tuổi 32 của Li Na đã để lại không ít sự tiếc nuối. Trên thực tế vẫn có rất nhiều tay vợt lớn hơn cô rất nhiều vẫn đang “làm mưa, làm gió” tại sân chơi này mà nổi bật là chị em nhà Williams. Serena (số 1 thế giới) đang ở tuổi 33 và người chị Venus (một thời gian dài giữ kỷ lục giao bóng nhanh nhất thế giới – 128,8 dặm/g) đã 34 tuổi. Thậm chí, thời điểm này, người hâm mộ quần vợt Trung Quốc và cả châu Á vẫn còn hy vọng về sự hỗ trợ lại của Li Na khi tay vợt Thụy Sĩ, cựu số 1 thế giới (trong 208 tuần), Martina Hingis (đoạt 5 danh hiệu Grand Slam đơn và 9 danh hiệu đôi) sau một thời gian dài nghỉ thi đấu vẫn trở lại.

Hy vọng cũng chính là thể hiện sự tiếc nuối về việc chia tay của một thần tượng. Nhưng theo Li Na, cô đã làm hết sức mình nhưng không thể. Chấn thương khớp gối và cuộc giải phẫu sau đó xũng không thể giúp cô vượt qua. Hãy nghe Li Na tâm sự để hiểu về một con người, một huyền thoại: “Tôi đã mất rất nhiều tháng để chống chọi với những cơn đau dai dẳng ở đầu gối và tôi biết nó không cho phép bản thân mình tiếp tục thi đấu nữa”… Giám đốc điều hành Hiệp hội quần vợt nữ (WTA) Stacey Allaster cũng phải thốt lên: “Tôi rất buồn khi biết Li Na tuyên bố giải nghệ. Cô ấy không những là một tay vợt xuất sắc mà còn là người thân thiện và vui tính. Li Na là người tiên phong và khơi dậy giấc mơ thi đấu quần vợt đỉnh cao cho hàng triệu người dân Trung Quốc và châu Á”.

Gần như là quy luật của muôn đời, tuổi thọ của các tài năng thể thao thường rất ngắn sao với các ngành nghề khác và chấn thương luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Với những nhà quản lý thể thao, sự chia tay của Li Na còn như một lời cảnh tỉnh về việc họ cần phải hiểu để trân trọng khoảng thời gian “sống” ngắn ngủi này của vận động viên.

Nguồn: Tạp chí Thế giới Tennis

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục