![]() |
Phạm Thị Bình và chồng. |
Tất cả thở phào và người lái chiếc xe cứu thương như trút được gánh nặng- nhiệm vụ của anh đơn giản chỉ là nếu cô gái ấy đột ngột ngã xuống đường thì phải ngay lập tức đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ đã cảnh báo, mỗi bước chạy của cô có thể khiến trái tim khuyết tật bẩm sinh, dù đã phẫu thuật, vỡ tung trong lồng ngực, biến đường đua marathon ở Đại hội TDTT thành đường đua tử thần.
Cô gái ấy chính là “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình. Theo một số bác sĩ, cô đã đặt cược cả tính mạng của mình để mang về chiếc HCV cho quê hương Quảng Ngãi.
Đôi chân trần đã dừng chạy
Sau khi đoạt tấm HCV ở đường chạy marathon, Phạm Thị Bình viết trên trang cá nhân: “Hơn 10 năm luyện tập và đã đến lúc dừng chân để sang một chặng đường mới. Xin cảm ơn cả nhà đã luôn quan tâm, ủng hộ trong suốt thời gian qua…”.
Việc luyện tập đầy vất vả và đường chạy marathon không đơn giản chỉ là cuộc đua của cơ bắp. Cao hơn nó là cuộc đua của nghị lực và ý chí sắt đá. SEA Games 27 - năm 2013 trên đất Myanmar, người ta đặc biệt chú ý tới một cô gái Việt Nam chân trần cứ băng băng về đích. Các phóng viên quốc tế như nằm sát đường piste để đặc tả đôi chân của Bình và họ không biết rằng, trên đường chạy ấy, khi gần về đích và biết chắc chắn mình có HCV, Phạm Thị Bình gần như vừa chạy vừa khóc. Tấm HCV ấy như một lời khẳng định, Bình đã vượt qua được sự sợ hãi, vượt qua cái chết để chiến thắng.
Thật khó tin, một VĐV thi ở môn cực khó, cực khổ như marathon lại có trái tim tật nguyền. Năm 2009, sau khi đoạt HCB ở giải điền kinh quốc gia, Bình thấy đau ngực, trái tim cô như ai đó bóp nghẹt lại. Bình đi khám và kết luận của bác sĩ khiến cô gần như chết đứng: Bình mắc một dị tật ở tim, giống mẹ cô, nếu không phẫu thuật kịp thời thì tính mạng sẽ bị đe dọa.
Một lựa chọn quá khó khăn. Bình lớn lên ở huyện nghèo Bình Sơn, Quảng Ngãi với tuổi thơ khó nhọc, chăn bò, đuổi vịt. Bình có tố chất và được chọn đào tạo, cô lấy đó làm nghề và tất nhiên nếu không chạy thì cô chẳng biết để làm gì nuôi sống bản thân và gia đình. Gọi là như thế, nhưng VĐV ở Việt Nam thì chế độ đủ ăn đã là tốt, nói chi đến dành dụm. “Với tôi, đường chạy là định mệnh, không được chạy cũng giống như không được thở vậy”, Bình nói. Thật may mắn, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ toàn bộ chi phí cho Bình phẫu thuật tim. Các bác sĩ đảm bảo cô vẫn có thể theo thể thao, với Bình, cô như được sống cuộc đời thứ hai.
Song cái khó, cái nghèo cứ đeo đẳng Bình. Trên đường chạy, cô dễ dàng loại bỏ các đối thủ, thế nhưng ở đường đời, sự nghèo khó là đối thủ khó đánh bại nhất, dằng dai nhất và dường như nó không biết bỏ cuộc. Vừa mổ tim xong thì nhà cô bị bão, gần như mất sạch. Bố mẹ Bình phải chuyển nhà, trông cả vào nồi cháo vịt của mẹ cô sống qua ngày. Còn Bình, cô vẫn cóp nhặt từng thứ như cóp nhặt từng mét ở đường chạy của mình để thỉnh thoảng gửi về cho bố mẹ ít tiền.
Chiếc HCV ở SEA Games năm 2013 mang về cho Bình một khoản tiền khá, khoảng mấy chục triệu đồng theo quy định. Với Bình, đó là một khoản tiền lớn, chí ít cũng giúp bố mẹ cô có được cái tết ấm cúng hơn.
Phải đến giao đoạn ấy, sự nghèo khó mới bắt đầu để Bình bứt đi. Sau chiến tích ở Myanmar, Phạm Thị Bình được mời làm đại diện hình ảnh cho một công ty nước khoáng, vừa ký hợp đồng vừa coi Bình là nhân viên luôn.
Bình không xinh xắn, thậm chí gương mặt cô còn có nét khắc khổ nhưng nói như đại diện hãng nước khoáng này thì: “Chúng tôi tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa các sản phẩm của chúng tôi với hình ảnh một cô gái tràn đầy niềm tin, nghị lực, ý chí sắt đá, nhanh nhẹn, tâm hồn trong sáng, chân thật và trái tim tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ...”.
![]() |
Bước chạy cuối cùng và cuộc đua với tử thần
Lẽ ra Bình đã có thể dừng lại để chuyên tâm vào công tác HLV. Thế nhưng, Bình chọn thời điểm sau Đại hội TDTT để cố gắng đoạt chiếc HCV cuối cùng trong sự nghiệp, coi như sự đền đáp cho quê hương Quảng Ngãi.
Nhưng số phận một lần nữa trêu ngươi Bình, trước khi chuẩn bị ra Nam Định thi đấu, Bình nhận được kết luận của Bệnh viện Khoa học TDTT mà trong đó, các bác sĩ khẳng định: “Phạm Thị Bình không thể thi đấu vì có vấn đề ở tim”. Thậm chí, bệnh viện còn có công văn gửi Tổng cục TDTT đề nghị buộc Bình phải nghỉ thi đấu vĩnh viễn vì nếu để Bình chạy, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Bình ngơ ngác, cô là người hiểu rõ cơ thể của mình nhất và Bình khẳng định là có thể thi đấu. Song, chuyện tính mạng không phải là chuyện đùa. Bình sang Bạch Mai khám, các chuyên gia tim mạch đầu ngành cho kết quả khác, rằng trái tim của Bình vẫn có thể chịu được quãng đường 40km. Song, họ cũng khuyến cáo là không thể chủ quan.
Và để quyết tâm thi đấu, Bình… chạy. Cô nói: “Có được mớ công văn giấy tờ để chứng minh mình khỏe mạnh còn nhọc gấp chục lần chạy marathon”. Để có thể thi đấu, Bình phải “gom đủ” 8 chữ ký cam đoan, đó là những chữ ký của chính Bình, chồng, HLV trực tiếp, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Quảng Ngãi, lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Ngãi, Bệnh viện Bạch Mai, BTC giải điền kinh, BTC Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Bình đã mất đến 2 tuần gần như không tập luyện được gì, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để kiểm tra chuyên biệt, lo thủ tục cần thiết, trong một tâm lý nặng nề. Thậm chí, khi biết có phóng viên tìm đến bố mẹ cô thông báo kết luận của bác sĩ cũng như cho họ biết là Bình có thể gặp nguy hiểm thế nào, Bình đã khóc và nói: “Xin mọi người hãy để bố mẹ tôi yên!”.
Cũng may, nữ tuyển thủ con nhà nghèo ở vùng quê gian khó đã trải qua quá nhiều thử thách nên có thể trụ vững. Và quan trọng hơn, chị đã luôn có thầy Nhân và ông xã Đại quá hiểu và tin tưởng, động viên, khích lệ. Bình bảo, chỉ cần một trong hai người can một câu, chị sẽ lập tức rời giải, về quê ngay.
Và ngày thi đến, BTC cũng cảnh giác tới mức cao độ là cử một xe cứu thương “lẵng nhẵng” theo từng bước chạy của Bình để canh chừng.
Bình đoạt HCV, tấm HCV đầu tiên của Quảng Ngãi và nó cũng đặc biệt quý khi cả Đại hội TDTT, Quảng Ngãi chỉ có 3 HCV. Bình đã trả xong món nợ với quê hương và lúc này, cô nghĩ về một đám cưới - nơi Đại - chồng cô -đang chờ. Thật ra, Bình và Đại chưa làm đám cưới, họ mới tổ chức đính hôn và làm đám hỏi vì chưa có… thời gian cưới. Sau tết này, hai người mới chính thức đủ… thủ tục về một nhà và với Bình, sự có mặt của Đại trong cuộc đời đã khiến cô không hề có cảm giác hay cảm nhận mình đang mang trong lồng ngực một trái tim tật nguyền…