![]() |
1.Sau trận chung kết, rất nhiều người, trong đó có các cựu danh thủ như Alan Shearer, Oliver Kahn hay các cây viết thể thao uy tín bậc nhất thế giới như Alan Hansen, đã không ngại ngần khẳng định rằng Tây Ban Nha của giai đoạn 2008-2012 là “đội hình vĩ đại nhất lịch sử”.
Tây Ban Nha đã làm nên một chiến tích vô tiền khoáng hậu của bóng đá thế giới. Nhưng vẫn có rất nhiều người không đồng tình với quan điểm trên.
Ngay giữa hiệp 2 của trận chung kết EURO 2012, QMI Agency, một hãng thông tấn lớn của Canada đã tổ chức một cuộc bầu chọn không chính thức về đội hình xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Lúc đó, từ tỷ số đến cục diện trận đấu đã “hai năm rõ mười” rồi, nhưng đội được chọn là Brazil thập kỷ 70 của Pele. Tây Ban Nha của giai đoạn 2008-2012 chỉ nằm đâu đó trong Top 10.
Bản thân tính từ “vĩ đại” đã mang màu sắc cảm tính. Cái sự “vĩ đại nhất” cũng vì thế mà tùy thuộc quan điểm của mỗi người. Người ta có thể nói rằng Brazil của Pele và Đức của Beckenbauer đã để lại một di sản quá lớn: họ tạo ra những nền tảng về chiến thuật và triết lý bóng đá có ảnh hưởng rộng khắp trong hàng thập kỷ sau đó.
Di sản của Tây Ban Nha chưa được kiểm chứng. Hoặc gọn lỏn như nhật báo Marca của nước này: “Cuestión de gustos” - “Vấn đề là của sở thích”.
2.Nhưng dù có không thích Tây Ban Nha của thế hệ này, với lối chơi tiqui-taca gây khó chịu hơn cả catenaccio và kiểu “ru ngủ” của người Đức trong các thập kỷ trước hay không, vẫn phải dành cho họ sự thán phục ở mức cao nhất.
Những người đã chỉ trích cách La Roja lọt vào trận chung kết cần dành chút thời gian để nhớ lại thế hệ này của họ đã được khai sinh ra vất vả như thế nào.
Tờ El Pais đưa tin, đã có cả những cựu cầu thủ của thế hệ đăng quang EURO 1964… quên mất Tây Ban Nha từng có một chức vô địch châu Âu (vì tuổi già?). Đội tuyển này đã đóng vai “tốt đen” của bóng đá châu Âu quá lâu để người ta nhớ rằng họ từng là nhà vô địch.
Và có ai còn nhớ Luis Aragones đã vất vả như thế nào sau World Cup 2006, giải đấu họ bị loại bởi Zidane và đồng đội? Trước giải ấy, ông tuyên bố sẽ vô địch hoặc từ chức. Thế rồi sau đó trắng trợn nuốt lời, khư khư giữ ghế, và trắng trợn hơn nữa khi ném Raul Gonzalez, một biểu tượng quốc gia, ra khỏi đội hình kèm câu hỏi: “Cậu ta dự mấy World Cup rồi, mấy EURO rồi, vô địch mấy lần rồi?”. Bao nhiêu là điều tiếng cái giai đoạn ấy.
Bóng đá Tây Ban Nha, trước kỷ nguyên vinh quang này, đã chịu nhiều đau đớn. Và nếu cái họ làm được không phải là “số 1”, thì cũng là “duy nhất”. Điều đáng trân trọng ở đây không phải là giỏi hơn những người còn lại, mà là làm được điều họ không thể làm.
3.Chiến thắng của Tây Ban Nha trong nửa thập kỷ qua, không phải là chiến thắng đối thủ, chiến thắng Đức của Beckenbauer hay Brazil của Pele. Họ không chiến đấu với thứ gì khác ngoài lịch sử của chính mình.
Không thể trách họ vì sử dụng tiqui-taca để phá lối chơi. Có thể trách Brazil của Dunga vì bỗng nhiên chơi thực dụng, bởi đội tuyển ấy có một truyền thống quá hào hùng và đá thế là phản bội. Nhưng thứ duy nhất Tây Ban Nha phản bội, là quá khứ u tối của họ.
Nhiều người đã nhầm đây là một cậu công tử để rồi dèm pha. Nhưng họ chỉ là một thanh niên có xuất thân bần hàn đang làm những điều phi thường. Đáng nể lắm.
Đức Hoàng |
00:00 30/11/-0001