Không phải HLV Park Hang-seo, đây mới đang là vấn đề của VFF

23:20 Thứ hai 24/06/2019 | 1

TinTheThao.com.vnKhả năng quản lý, điều hành của VFF chưa thật sự chuyên nghiệp nên "đuối sức" trước tốc độ phát triển, thành công của bóng đá Việt Nam.

1. Nhờ những kỳ tích mà U23 và đội tuyển Việt Nam giành được trong gần 2 năm qua, người hâm mộ mới biết đến năng lực kiếm tiền của VFF. Rõ ràng tiềm lực tài chính của VFF không theo kịp với thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo. Thật khó lý giải được khi một tổ chức tập hợp tinh anh xã hội như VFF lại không đủ tài chính, gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên học tập “tinh thần Park Hang-seo” vượt khó trong công việc, bởi đây đang là vấn đề lớn nhất của tổ chức này. VFF phải chuyên nghiệp hóa trong công tác tiếp thị, tài trợ. Bán trọn gói phần việc này cho đối tác làm thay là điều vô cùng đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể làm được. VFF với vị thế của mình nên đảm đương phần việc khó nhất, đó là tìm nguồn tài chính, tài trợ dồi dào cho bóng đá nước nhà. Không thể đẩy phần việc khó nhằn này cho cấp trên và lạm dụng chính sách xã hội hóa mỗi khi thiếu hụt tài chính.

Không phải HLV Park Hang-seo, đây mới đang là vấn đề của VFF - Bóng Đá

Thương hiệu ĐT Việt Nam rất thu hút quảng cáo, tài trợ.

2. Chẳng những hạn chế về khả năng kiếm tiền, VFF đang lạc lối trong việc hoạch định, thực hiện chiến lược cho nền bóng đá. Khi nào bóng đá Việt Nam dự World Cup? Thời điểm nào chín muồi để đội tuyển quốc gia đăng quang tại Asian Cup? Đây là những câu hỏi cần phải tìm ra đáp án và qua đó hoạch định chiến lược phát triển cho U23 và đội tuyển quốc gia. Ngược lại, VFF chỉ chú trọng đến thành tích trước mắt, cụ thể là bộ HCV SEA Games 30. Tổ chức này lúc đầu đồng ý để trợ lý Lee của ông Park dẫn dắt đội U22 thi đấu SEA Games 2019 nhưng bất ngờ đổi ý, thuyết phục HLV Park Hang-seo nhận nhiệm vụ thách thức này.

Điều này có thể nói là trở ngại lớn nhất đối với bước tiến của Nguyễn Quang Hải và đồng đội. Chưa hết, VFF hầu như bỏ trống chiến lược phát triển y học và dinh dưỡng bóng đá. Không thể để các câu lạc bộ tại V-League, giải hạng Nhất tự ý thức và thực hiện 2 mảng quan trọng này. Thực tế cho thấy việc Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh,... lần lượt dính chấn thương gần đây xuất phát từ sự hạn chế về dinh dưỡng, y học thể thao. Nếu VFF đề ra quy định mỗi CLB tại V-League, hạng Nhất phải có HLV thể lực, chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất chấn thương của các cầu thủ.

Không phải HLV Park Hang-seo, đây mới đang là vấn đề của VFF - Bóng Đá

 HLV Park Hang-seo đáp ứng thử thách giành bộ HCV SEA Games 30 từ VFF.

3. VFF cũng cần chuyên nghiệp hóa trong công tác tổ chức, hoạt động các đội tuyển quốc gia. Cụ thể là bắt kịp xu hướng khu vực, thế giới đối với huấn luyện, tổ chức đội tuyển. Ở Top nền bóng đá mạnh khối ASEAN, Việt Nam là đội duy nhất mà huấn luyện viên trưởng kiêm nhiệm luôn U23 và đội tuyển quốc gia. Trong khi đó Thái Lan, Malaysia, Indonesia... rất chuyên nghiệp khi tách biệt U23 và đội tuyển quốc gia ra, mỗi đội tuyển có HLV trưởng riêng.

Bóng đá Việt Nam thì ngược lại, tận dụng triệt để trí tuệ, tinh lực của HLV Park Hang-seo. Ông Park phải “vừa xay lúa, vừa bồng em” với khối lượng công việc khủng khiếp. Đó là chưa kể áp lực thành tích từ VFF, truyền thông, người hâm mộ khiến thầy Park chịu rất nhiều sức ép tâm lý. Ngoài ra, cách làm theo kiểu “tận thu” của VFF còn vô tình đẩy các tuyển thủ Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh... vào tình trạng quá tải, bị bào mòn thể lực vì thi đấu liên tục, không có thời gian hồi phục. Chính vì vậy, việc cầu thủ dính chấn thương nặng là hệ quả tất yếu.

Tiểu Phương | 22:40 24/06/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục