Kết thúc SEA Games 28: Tầm vóc mới của thể thao Việt Nam

14:20 Thứ tư 17/06/2015

Thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 28 với 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ - vượt chỉ tiêu đề ra. Thành công của thể thao Việt Nam ở SEA Games lần này cho thấy nếu đầu tư đúng hướng, thể thao Việt Nam vẫn có thể nâng tầm, vươn mình tiếp cận thể thao Châu Á và thế giới.

Tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất

Lần đầu tiên, sau 14 năm, tính từ SEA Games 21 năm 2001 trên đất Malaysia, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mới xuất quân với đội hình gọn nhẹ nhất, với những gương mặt ưu tú nhất. Ngoài 4 đội tuyển tham dự SEA Games với hình thức xã hội hóa (không dùng tiền ngân sách) là bowling, bóng rổ, golf, bơi nghệ thuật, chỉ có khoảng 350 VĐV được đầu tư tham dự SEA Games.

Tổ tiếp sức 400mx4. Ảnh: Internet.

Với 350 VĐV, chi phí của đoàn TTVN so với những SEA Games trước bằng một nửa, nhưng thành tích vượt trội. Năm 2001, chúng ta cử 416 VĐV và đoạt 33 HCV, năm 2003 khi SEA Games tổ chức trên sân nhà, đoàn TTVN có 690 VĐV, đoạt 156 HCV, năm 2005 dự 528 VĐV đoạt 71 HCV, năm 2007 dự 605 VĐV đoạt 64 HCV, năm 2011 dự 608 VĐV đoạt 96 HCV, năm 2013 dự 519 VĐV đoạt 74 HCV và năm nay SEA Games 28, TTVN dự 350 VĐV và có tới 73 HCV.

Đặc biệt ấn tượng khi so sánh với những quốc gia có nền thể thao mạnh: Thái Lan dự 744 VĐV nhưng cũng chỉ được 95 HCV, Singapore 743 VĐV được 83 HCV, Malaysia 644 VĐV có 62 HCV… Nghĩa là số lượng VĐV tham dự, Việt Nam chỉ đứng thứ 7/11 QG nhưng thành tích lại đứng thứ 3. Tỉ lệ đoạt HCV cao, tương đương 20%, trong khi hai SEA Games gần nhất thì tỉ lệ HCV trên tổng số VĐV chỉ
dao động 15%.

Trao đổi với PV, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn TTVN - đánh giá: “Thành công của đoàn TTVN không chỉ là dừng lại ở việc chúng ta chọn đúng môn, đúng người để mang lại hiệu quả cao nhất. Theo tôi, thành tựu đáng chú ý nhất vẫn là số lượng HCV ở những môn thể thao Olympic đã vượt trội, chiếm đến 80% tổng số HCV. Đây mới là điều mang lại giá trị và có thể nâng TTVN lên một tầm cao mới.”

Ông Hồng Minh dùng từ “chấn động” để nói về những thành tích đặc biệt của TTVN tại SEA Games lần này. Đó là một Ánh Viên dậy sóng đường đua xanh với 8 HCV và 8 kỷ lục SEA Games (10 năm trước, bơi lội Việt Nam chật vật mới có HCV SEA Games đầu tiên); đó là tuyển điền kinh xuất sắc cán đích 12 HCV và phá 3 kỷ lục SEA Games (nhiều kỷ lục tồn tại 20, 22 năm) trong đó Nguyễn Thị Huyền phá hai kỷ lục SEA Games ở các nội dung 400m rào và tiếp sức 4x400m nữ.

Chuyển hướng và nâng tầm

Phó Tổng cục trưởng TC TDTT kiêm Trưởng đoàn TTVN - ông Trần Đức Phấn - trước khi dự SEA Games cũng thừa nhận rằng: “Năm nay là một năm chuyển hướng trong tư duy và đầu tư của TTVN với việc mạnh dạn đầu tư cho các môn Olympic nhiều hơn. Song điều này cũng gây ra áp lực cho chúng tôi về chỉ tiêu của đoàn. Khả năng top 3 là có nhưng không chắc và dự kiến chỉ là 60-65 HCV thì TTVN đã vượt 10 HCV, đó là một thành công mang tính bước ngoặt, tạo ra cú hích cho thể thao Việt Nam trong những năm tiếp theo.”

Với 10 HCV, môn bơi lội đã vươn lên vị trí số 2 ĐNÁ sau cường quốc bơi lội Singapore, 11 HCV giúp điền kinh Việt Nam vững chắc ở vị trí số 2 khu vực sau Thái Lan.

Những môn trong chương trình Olympic khác, TTVN đứng số 1 như thể dục với 9 HCV cùng những Hà Thanh, Phương Thành có những bài thi độ khó tầm châu lục, taekwondo với 5 HCV đứng vị trí số 1…

Giá trị của SEA Games không chỉ nằm trong số lượng những tấm HCV, mà còn nâng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua những cuộc đấu. Hình ảnh Ánh Viên bỏ xa đối thủ tới 30m ở nội dung bơi 400m hỗn hợp cho thấy sức vươn của TTVN, hay câu chuyện về nhân tố bí ẩn Nguyễn Thị Huyền băng băng về đích cho thấy tiềm năng của thể thao Việt Nam nếu biết khai thác tốt sẽ tìm thấy nhân tài.

Lần đầu tiên, một cô gái chân chất - đại úy Ánh Viên - đã trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ với tâm sự gây sốt cộng đồng mạng: “Tôi không hài lòng ngay cả khi chiến thắng. Tôi đã giành nhiều huy chương vàng và phá nhiều kỷ lục SEA Games, nhưng tôi sẽ không ngừng phấn đấu. Nếu tôi hài lòng với những gì đã đạt được, tôi là kẻ thất bại ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới ngày mai. Tôi không nhớ đến chiến thắng, mỗi ngày đều nỗ lực như chưa giành được gì,” một thông điệp rất giá trị cho những người trẻ khi đứng trước những thành công, những khó khăn hay thất bại của cuộc sống.

Cũng như lời nhắn gửi của kình ngư Ánh Viên “không thể hài lòng với những gì đã đạt được,” để TTVN nâng tầm và có thành tích ở ASIAD hay Olympic cần có những nỗ lực. Bản thân Ánh Viên dù có thành tích nổi bật ở SEA Games nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa để đoạt HCV ASIAD hay Olympic.

Chút buồn đọng lại...

Thành công nhưng không trọn vẹn,” đó là những gì người ta nói khi nhắc về nỗi nuối tiếc của môn bóng đá khi thầy trò ông Miura chỉ có được tấm HCĐ, trong khi kỳ vọng của NHM là vào chung kết và lấy HCV. Bóng đá luôn là môn thể thao được kỳ vọng nhất, khi chưa có tấm HCV bóng đá thì bữa tiệc SEA Games không thể nào trọn vẹn.

Thất bại của Tiến Minh ở môn cầu lông. SEA Games này có lẽ là SEA Games cuối cùng của VĐV từng đứng ở top 7 thế giới. Đó là nỗi đau trong sự nghiệp lẫy lừng của Tiến Minh.

Ở những môn đòi hỏi tính đồng đội, người Thái vẫn là số 1, họ rất xuất sắc. Bóng đá, bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam của Thái Lan ở đẳng cấp cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của SEA Games.

Thể thao Việt Nam có những cá nhân xuất sắc, nhưng làm thế nào để có một tập thể xuất sắc lại là một vấn đề khác, của xã hội chứ không phải của riêng ngành thể thao.

Những kỷ lục SEA Games do VĐV Việt Nam xác lập ở SEA Games

* Ánh Viên: 8 kỷ lục SEA Games các nội dung 800m tự do (8 phút 34 giây 85), 400m hỗn hợp (4 phút 43 giây 93), 200m bơi ngửa (2 phút 14 giây 12), 200m hỗn hợp (2 phút 13 giây 53), 200m bơi bướm (2 phút 11 giây 12), 200m tự do (1 phút 59 giây 27), 400m tự do (4 phút 08 giây 66). Riêng nội dung 400m hỗn hợp, Ánh Viên lập 2 kỷ lục SEA Games ở vòng loại và vòng chung kết.

* Quý Phước: Kỷ lục nội dung 200m tự do (1 phút
48 giây 96).

* Lâm Quang Nhật: Kỷ lục 1.500m tự do (15 phút
31 giây 03).

* Nguyễn Văn Lai: Kỷ lục 5.000m (14 phút 04 giây 82).

* Nguyễn Thị Huyền: Kỷ lục 400m rào (56 giây 15).

* Đội nữ 400mx4: Kỷ lục tiếp sức 400mx4 (3 phút 31 giây).
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục