![]() |
Vận động viên Ye Shiwen |
Sốc ở đây vì nhà tân vô địch này vốn chỉ là một VĐV vô danh, cách đây nửa năm anh chưa hề được ai biết tới và điều kì lạ là chỉ có mấy tháng mà anh đã nâng mức cử giật thêm 10kg so với trước, còn ở mức cử đẩy là 16kg để đưa tổng trọng lượng từ 267kg lên tới 293kg! Tương tự như sự kiện trên đường đua xanh, đây là một điều rất khó giải thích nổi trong đời sống thể thao.
Hãy nói về mức tạ kinh hoàng mà đô cử họ Om đã có khi giành tấm HCV cao quý tại London. Trên bản đồ đình cao của môn cử tạ thế giới, một thông lệ là người ta có quy định (bất thành văn) về những gương mặt mạnh nhất ở mỗi hạng cân, chẳng hạn tại Bắc Kinh năm 2008, giới chuyên môn biết rõ ở hạng 56kg có 3 đô cử xuất sắc nhất là Lee Cheng (Trung Quốc), Hoàng Anh Tuấn (Việt Nam) và Eko (Indonesia). Còn tại kỳ Olympic London, Liên đoàn Cử tại Thế giới cũng đưa vào trang web của mình những cái tên được xem là có triển vọng như Wu Junbiao (Trung Quốc), Trần Lê Quốc Toàn (Việt Nam), Hristov (Aizerbaijan), Jadi Stedia (Indonesia)… và không hề nghe thấy tiếng tăm về chàng lực sỹ người Triều Tiên đâu cả. Nhưng, cũng lại như lần trước, thay Lee Cheng là Long Shinquan và bây giờ là Yun Chol Om, chỉ có điều người ta nhìn nhau và tự hỏi, điều thần kì nào ở đây, sự tăng vọt thành tích này có yếu tố bí hiểm gì đó hay chỉ là nghệ thuật ém quân của ngành thể thao Triều Tiên?
Trong khi đó, để giải thích về khía cạnh khoa học, ngay những nhà khoa học có thâm niên ở ngành TDTT cũng tỏ ra lúng túng. Về lý thuyết, muốn rút ngắn khoảng cách trời cho mang tính quyết định giữa phái đẹp và phái mày râu, có chằng chỉ là tăng lượng hormone nam cho phái nữ và đó lại là điều mà hai ngành Y tế và TDTT đành bó tay. Sự kiện kình ngư 16 tuổi Ye Shiwen bơi nhanh hơn cả nhà vô địch Lochte ở 50m cuối trong nội dung 400m hỗn hợp xứng đáng là một câu chuyện "siêu kỳ lạ”. Báo chí ở London đã cho thấy bên lề làng Olympic, câu chuyện được nâng lên đặt xuống suốt 2 ngày qua, còn ở Việt Nam, giới chuyên môn về bơi lội cũng mất nhiều thời gian cho các yếu tố thành bại. Phải chăng một người đã đúng khi nói rằng nếu cô gái 16 tuổi không dính đến những tiêu cực, như làng bơi lội Trung Quốc từng bị xem là có "truyền thống”, cô ấy sẽ phải là một siêu nhân của thể thao thế giới trong thế kỷ này.
Trong đời sống thể thao, nhân loại từng chứng kiến những chuyện thần kì. Mới 15 tuổi, kình ngư Michael Phelps đã giành HCV tại Olympic Sydney 2000, ngay cả Tia chớp với thông số 9”58 của Olympic Bắc Kinh 2008, thông số của nhà nữ vô địch nhảy sào thế giới Yelena Isinbayeva hoặc kỉ lục của nữ xạ thủ người Mỹ giành HCV trong 5 lần tham dự Olympic… đều có thể xem là những điều thần kì gây xúc động và sự thán phục với tất cả những ai yêu thể thao. Cũng có những điều thần kì có "tuổi thọ” không lâu, đó là khi người ta phát hiện ra những khuất tất phía sau các thành công của ai đó và tuyên bố hủy bỏ kết quả, tước danh hiệu và điều này đã từng xảy ra, trong đó ở trên đường đua xanh là nhiều nhất. Mong rằng sau Olympic London này sẽ không có điều thần kì nào bị xóa sổ.