Tưng bừng không kém bơi
Hai tuyển thủ Quách Thị Lan và Quách Công Lịch chắc chắn đi Mỹ tập huấn. Trong trao đổi sáng 3-7, Phó Giám đố Sở VH-TT-DL Lê Văn Nam cho biết “chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư cho các VĐV điền kinh trọng điểm của mình. Trong cuộc gặp gỡ các VĐV trước khi trở lại Hà Nội tập trung, các cháu đều bày tỏ nguyện vọng của mình. Trước mắt, Quách Thị Lan sẽ lên đường đi Mỹ trong tuần tới do thủ tục về hộ chiếu đã ổn. Anh trai Quách Công Lịch của Lan có thể sẽ tới Mỹ muộn hơn do được cử đi tập huấn nhưng còn phụ thuộc thủ tục phỏng vấn xin visa. Cả 2 tiếp tục tập tại nơi mà Lan đã tập thời gian qua.”
Đó là trường hợp của Lan và Lịch. Một thông tin nữa được chia sẻ từ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Trần Đức Phấn đó là lãnh đạo ngành đang tham khảo với ý kiến từ bộ môn và Liên đoàn đưa VĐV đi Nga tập huấn. Nếu không có gì thay đổi, có thể những cái tên như Nguyễn Thị Huyền hay Bùi Thị Thu Thảo hoặc Nguyễn Thị Thanh Phúc sẽ ở chuyến đi này. Điểm sơ qua có thể thấy, điền kinh nói riêng quyết dồn đầu tư hiệu quả hơn nữa và hướng cho tập huấn nước ngoài ở VĐV có thể cạnh tranh suất đi Olympic.
Đi tập huấn dài hạn nước ngoài không phải lần đầu điền kinh Việt Nam thực hiện. Trước đây, chúng ta thường hướng tới những nơi tập ở Trung Quốc để thuận lợi hơn về địa lý lẫn…tài chính. Nhưng bây giờ, hướng tới châu Âu và Mỹ đã là cách đi khác hơn hẳn. Năm 2013, Lan và Lịch cùng một số tuyển thủ khác của điền kinh Thanh Hóa đã được lãnh đạo tỉnh này quyết đầu tư tạo điều kiện cho đi Bulgaria tập rồi sau đó chuyển tiếp về Malaysia. Năm 2014, điền kinh đổi mới khi tới hẳn Mỹ (nơi mà từ trước tới giờ chúng ta vẫn chỉ “dự kiến” trên giấy tờ) tập huấn cho tổ 400m nữ.
Với thể thao đỉnh cao, hiện tại 2 môn là điền kinh và bơi lội đang có VĐV được đi nước ngoài kiểu “gà nòi” dài hơi nhất. Đó là một nét sáng và sự phát triển đáng kể của thể thao quản lý nói chung.
Đâu là hiệu quả
Phải khẳng định, không phải chuyến tập huấn nào cũng mang lại kết quả hữu hiệu. Chúng ta từng có Vũ Thị Hương thực hiện đợt tập huấn tại Đức và rồi gặp chấn thương nên không thể giành được suất dự Olympic 2012. Rồi Trương Thanh Hằng, cô cũng được tập huấn Trung Quốc nhưng không đạt được chuẩn dự Olympic 2012. Bây giờ, nhóm VĐV được hướng trọng tâm tập huấn tìm thêm vé đi Olympic 2016 là sự đầu tư phù hợp.
Thế nhưng, phải thấy rằng, đi tập ở đâu phụ thuộc vào tài chính. Tài chính dành cho 4 gương mặt nữ của tổ 400m từng đi tập ở Mỹ năm 2014 là Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định), Quách Thị Lan (Thanh Hóa) được thực hiện với đóng góp 50-50 trong tổng tiền giữa đơn vị chủ quản của họ cùng Tổng cục TDTT. Bây giờ, Lan và Lịch đi Mỹ tập huấn, sự đầu tư trên cũng như vậy.
Tính sơ sơ, dựa vào nơi tập huấn và yêu cầu tập luyện, tiền dành cho một VĐV như Lan tập huấn tại Mỹ khoảng 100 triệu đồng/tháng. Con số trên với tập luyện quốc tế không là gì. Nhưng như ông Nam chia sẻ “đây là nỗ lực của lãnh đạo tỉnh nhà cũng như thể thao xứ Thanh cùng sự giúp đỡ của Tổng cục TDTT, chúng tôi rất trân trọng.”
Được biết, thể thao Nam Định cũng đã bày tỏ để Nguyễn Thị Huyền tới Nga tập. Số tiền tập luyện ở Nga cũng không ít. Ngoài họ, các đơn vị như Hà Nội, Đà Nẵng cũng không ngại đầu tư tiền cho quân mình ra nước ngoài tập.
![]() |
VĐV Lê Trọng Hinh (phải). Ảnh: Dũng Phương |
|