Bản đồ điền kinh Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với 4 năm trước. Đó là sự bứt lên mạnh mẽ của Thanh Hóa ở những cự ly ngắn và trung bình, trong đó, nổi bật là anh em VĐV Quách Công Lịch, Quách Thị Lan; là sự vươn lên của Nam Định cũng ở những cự ly ngắn. Cả hai đơn vị này đều đầu tư mạnh mẽ cho các VĐV và bước đầu gặt hái thành quả xứng đáng.
Hà Nội có nhiều nội dung thế mạnh nhưng cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía các đối thủ. Một Nguyễn Thị Oanh nổi lên ở nội dung 400m, được tập huấn tại Mỹ nhưng vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của Quách Thị Lan (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định). Một Đỗ Thị Thảo, từng vô địch SEA Games 27, tưởng như không có đối thủ ở cự ly 800m, 1.500m nữ khi Trương Thanh Hằng không thể thi đấu vì chấn thương, vào giải này đã "bở hơi tai" trước đối thủ cạnh tranh Vũ Thị Ly (Yên Bái).
![]() |
Thực tế cho thấy sự đua tranh tại ĐH TDTT kỳ này thực sự khốc liệt. Quách Thị Lan tưởng như dễ dàng "ẵm" cả ba ngôi vô địch ở nội dung 400m, trong thực tế đã không giành nổi một tấm HCV nào. Nguyễn Thị Oanh của Hà Nội được kỳ vọng nhiều nhưng không giành nổi một tấm HCV cá nhân. Trên đường chạy 800m nữ, Đỗ Thị Thảo (Hà Nội) thua sức trẻ của Vũ Thị Ly, "mất" HCV ngay trong ngày thi đầu tiên. Đào Xuân Cường - nhà vô địch SEA Games 26 ở cự ly 400m vượt rào của Hà Nội cũng không thắng được Quách Công Lịch (Thanh Hóa). Sau ngày thi đấu đầu tiên, hàng loạt "mỏ vàng" mất vào tay đối thủ khiến tâm lý của đoàn Hà Nội nặng trĩu. Đã có lúc người ta lo cho chỉ tiêu đoạt 6 HCV tại ĐH lần này của đoàn Hà Nội, vượt thành tích 5 HCV tại ĐH kỳ trước, không thành hiện thực.
Dù vậy, thực lực của VĐV Hà Nội vẫn cho phép họ hoàn thành mục tiêu tối thiểu - nằm trong tốp 3 đoàn dẫn đầu. Các thành viên của đội tiếp sức 4x800m nữ, 4x400m nữ Hà Nội vẫn khẳng định được vị trí số 1 của mình. Ở một số nội dung thế mạnh khác, các VĐV Hà Nội đã thi đấu đúng sức. Nhà vô địch nhảy 3 bước tại SEA Games 27 Nguyễn Văn Hùng dễ dàng giành HCV. Nguyễn Ngọc Quang - con trai "tượng đài" điền kinh Vũ Bích Hường thi đấu ở nội dung 110m vượt rào cũng lần đầu lên ngôi vô địch tại một kỳ ĐH TDTT toàn quốc. Đỗ Thị Thảo khẳng định sức mạnh ở nội dung 1.500m nữ, xứng đáng với sự đầu tư của ngành thể thao Hà Nội. Trong những tấm HCV của điền kinh Hà Nội còn lại, đáng chú ý là HCV của Phạm Thị Kiều Oanh ở nội dung 7 môn phối hợp. Cùng với Vũ Đức Anh (nhảy cao, Hải Phòng), Phạm Thị Kiều Oanh là phát hiện sáng giá nhất tại giải năm nay.
Dù các VĐV giành được 7 HCV song Chủ nhiệm bộ môn điền kinh Hà Nội Lại Phúc Lộc vẫn thận trọng: "ĐH TDTT toàn quốc thực sự là dịp đánh giá chuẩn xác thực lực điền kinh Hà Nội cũng như cả nước. Sân chơi này ngày càng khắc nghiệt và khó khăn, đặc biệt là sự vươn lên của những đoàn như Thanh Hóa, Nam Định với dàn VĐV có tố chất, thể hình lý tưởng. Chính vì thế, sau ĐH này, điền kinh Hà Nội sẽ tính toán kỹ để giữ vững vị thế đồng thời xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện để có VĐV vươn lên tầm châu lục. Không dễ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành".
|