Đại hội hay… hội đại?

09:22 Thứ hai 01/12/2014

Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần. Ý nghĩa của nó là “biểu dương, đánh giá toàn bộ nền thể thao thành tích cao trong 4 năm tập luyện”. Tuy nhiên, những tiêu chí này cách đây 20 năm thì còn có ý nghĩa, trong thời điểm cần thúc đẩy quá trình xã hội hóa mạnh mẽ cũng như đầu tư trọng tâm hơn cho thể thao đỉnh cao, thì nay dường như đại hội lại trở thành nơi tập trung “thi đấu cho xong” rồi đi về.

Lấy ví dụ như môn bóng đá nữ, chỉ có 4 địa phương tham dự là Hà Nội, Hà Nam, TPHCM và Quảng Ninh. Như vậy thì chúng ta đánh giá được gì khi mà suốt 8 năm qua, giải vô địch quốc gia cũng chỉ có 6 đội. Vậy thì có cần thiết phải tổ chức thi đấu hay không?

Môn bóng đá nữ chỉ có 4 địa phương tham dự. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Hoặc như trường hợp bóng đá nam, không biết đánh giá dựa trên tiêu chí nào khi phần đỉnh cao đã thuộc về bóng đá chuyên nghiệp, nơi mà các CLB dù mang tên địa phương nhưng thành phần cầu thủ thì từ nhiều nơi khác đến. Vậy thì kết quả thi đấu theo địa phương đâu phản ảnh được sự phát triển bóng đá của địa phương đó.

Một trường hợp khá hài hước ở môn bóng bàn, khi 5 VĐV là người Hưng Yên nhưng vì đã cho CLB HN T&T mượn nên không đủ điều kiện đăng ký thi đấu do không chứng minh có hộ khẩu tại Hưng Yên. Như vậy, dù là nơi đào tạo ra VĐV nhưng rốt cục, Hưng Yên lại không thể đưa VĐV đó dự giải. Điều này xảy ra rất phổ biến ở nhiều môn mà VĐV quê một nơi, thi đấu một nẻo, có đại diện cho nơi mình sinh ra và trưởng thành thì cũng không thể chứng minh địa phương đó phát triển môn này. VĐV ăn ở, tập luyện suốt một quá trình ở nơi khác, nhưng khi tham gia đại hội lại phải thi đấu cho nơi mà mình còn hộ khẩu. Hoặc lại có VĐV vừa chuyển hộ khẩu sang nơi mình đang thi đấu chuyên nghiệp dù suốt quá trình dài trước đó, thành tích của VĐV này là công sức của địa phương khác.

Nói như vậy để thấy, việc đánh giá kết quả thi đấu theo thành tích chuyên môn hay quá trình phát triển phong trào địa phương tại đại hội TDTT đều không chính xác. Nếu đại hội là sân chơi của VĐV nghiệp dư thì chẳng nói làm gì, đây lại là thể thao chuyên nghiệp, vốn đã thể hiện thế mạnh từng địa phương thông qua các giải vô địch quốc gia nhiều lứa tuổi hằng năm. Mạnh hay không mạnh, phát triển hay không đều có thể biết trước.

Ngoài ra, theo xu thế chung cũng như những khó khăn về kinh phí, mỗi địa phương, ngành hiện nay chỉ tập trung đầu tư một vài môn chủ lực cho phần thể thao đỉnh cao, các môn khác đều chỉ duy trì ở mức độ phong trào. Như vậy, chưa cần thi đấu cũng đã biết môn nào, ở đâu là phát triển tốt nhất.

Được biết, mỗi kỳ đại hội như vậy tiêu tốn ngân sách rất lớn, nhưng hầu như không đem lại hiệu quả gì cho địa phương đăng cai cũng như chính các đoàn tham dự.
Yến Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục