Chuyện trong ngày: Tuyệt kỹ Miura là đây!

15:24 Thứ ba 13/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Từ ngày tới Việt Nam, HLV Toshiya Miura luôn bị săm xoi bởi thứ tuyệt kỹ về phong cách cầm quân đầy bí ẩn. Có người bảo, Miura chẳng có chiêu gì cả. Nhưng trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đôi khi "Vô chiêu lại thắng hữu chiêu".

Chiêu của Miura là... vô chiêu. Ảnh: Quang Thắng.

Trước cuộc đối đầu với Thái Lan, HLV Lê Thụy Thải từng bảo thế này: "Tấn công để thắng Thái Lan là ảo tưởng". Người viết đồng tình với quan điểm này. Tôi không chê hàng công ĐTQG, tuy nhiên đẳng cấp của người Thái và chút gì đó nhỉnh hơn về tương quan lực lượng cũng lối chơi của hai đội vốn không nói cũng biết ai mạnh, ai yếu. Cứ cho rằng VN không thể chơi đôi công với người Thái, theo đó ông Miura hứa hẹn truyền tải vào đội bóng thứ bóng đá ru ngủ theo kiểu tuyển Đức vào chung kết World Cup 2002. Nhưng thế thì đã sao?

Nên nhớ, người Thái biết họ ở vị thế nào khi bước vào cuộc chạm trán. Đối thủ liên tục khích tướng VN chơi đôi công. Chỉ cần dạo vài trang web bóng đá những ngày này, bạn có thể tìm được kết quả như tôi vừa nói. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ, vì sao người Thái lại muốn chúng ta chơi sòng phẳng với họ? Câu trả lời rất dễ hiểu. Khi VN dâng cao đội hình tấn công, nhiều vị trí có thể chạy loạn cả lên, từ đó bộc lộ nhiều điểm yếu. Với Thái Lan, họ chỉ chờ có thể để tung ra nhát kiếm chí mạng hạ gục chúng ta.

Việt Nam sẽ chơi phòng ngự phản công với Thái Lan. Ảnh: Nhật Minh.

Nhưng ngược lại, khi VN chơi phòng ngự chặt bên phần sân nhà, Thái Lan sẽ tỏ ra nôn nóng bởi ai cũng biết họ rất muốn giành 3 điểm để đua tranh với Iraq cùng bảng đấu. Lúc này, chiêu của Miura sẽ được phát huy khi lối chơi phòng ngự phản công trở thành đòn đánh vô cùng lợi hại. Nhìn lại bảng đồ bóng đá thế giới những năm gần đây, Jose Mourinho của Chelsea lên ngôi ở Premier League đâu phải bằng lối đá sexy hay tấn công rực lửa. Chính sự chậm rãi và "biết mình biết ta" đã giúp họ luôn gặt hái được những kết quả tốt.

Trong khi đó, Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ mạnh về lối chơi tấn công cả. Điều này được thể hiện qua câu nói đùa: "Vốn dĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chúng ta đã quen với cách chiến đấu để giành lấy thắng lợi khi bị một thế lực mạnh đàn áp, bởi vậy, bóng đá tấn công chưa hề là tuyệt kỹ trong lối chơi của chúng ta cả. Nhưng ngược lại, kiểu thi đấu theo hướng phòng ngự rồi sau đó bất thình lình ra chiêu khiến đối phương không kịp trở tay thế lại hay. Xưa nay, hễ gặp đối thủ mạnh, VN toàn đá thế."

Bản sắc của VN là lối chơi dựa trên hàng phòng ngự vững chắc. Ảnh: Nhật Minh.

Bạn có quyền đồng ý cũng như phản bác câu nói đùa trên, nhưng thực chất VN chưa hề được so sánh với khái niệm đội bóng có phong cách tấn công rực lửa. Rồi khi Miura tới, ông thầy người Nhật nhìn thấy đâu là cội rễ tuyệt kỹ của chúng ta, theo đó lập trình lại lối chơi phòng ngự phản công với một phong thái hơi là lạ hơn trước, nhưng vẫn dựa trên nền tảng phòng ngự phải chắc chắn. Điều này cũng lý giải tại sao khi gặp Đài Loan - Trung Quốc, VN không thể chơi tấn công trơn tru hay mượt mà được, bởi đối thủ có buồn dâng cao đâu.

Với tôi, chiêu của Miura thực chất là... vô chiêu. Đội tuyển Việt Nam vẫn trung thành với đặc sản bóng đá phòng ngự tấn công suốt hai thập niên qua và khi Miura tới thì mọi thứ chẳng qua chỉ được tô điểm bằng một bức màn bí ẩn do cánh truyền thông tạo nên. Tuy nhiên, vô chiêu không bằng hữu chiêu. Đá kiểu manh nhanh như VN biết đâu lại làm nên chuyện.

T.Y | 14:18 13/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục