Chuyện Miura: Khi dư luận thích phủ nhận

21:53 Thứ tư 08/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Có thể Miura chưa đem được nhiều thành tích về cho bóng đá Việt Nam, nhưng đó chẳng phải là lý do người ta quên đi những thay đổi mà ông đang cố gắng mang đến cho nền bóng đá nước nhà.

Miura và lối đá “chỉ dùng sức”

Nhìn lại Asiad 2014 và cả AFF Cup cuối năm vừa qua, ai dám nói thứ bóng đá của Miura là “xấu xí”? Giữa lúc chẳng ai quan tâm đến đội tuyển Olympic, Miura đã khiến những trận đấu của đội trở thành tâm điểm sau khi hạ Iran 4-1, chiến tích và bộ mặt của Việt Nam tại giải đấu này thậm chí được cả các hãng truyền thông châu lục nhắc đến.

Về với AFF Cup, chúng ta cũng giải quyết gọn gàng những trở ngại ở vòng bảng, vào đúng lúc sự nghi ngờ ở mức cao, bởi nhiều năm nay, Philippin hay Indonesia đều từng khiến Việt Nam ôm hận. Những thành công đó của Miura và học trò chắc chắn là một sự biến đổi rõ rệt, gây bất ngờ tại các thời điểm xảy ra, nhưng nhiều người lại dễ dàng quên lãng để nghĩ giống như ông Lê Thụy hải “Làm như Miura ai chẳng làm được”.

Tựu chung lại, có thể thấy “bản sắc” của Miura không hề là phòng ngự thụ động, mà có lúc đá thế này, có lúc đá thế kia. Chỉ có một điểm chung, đó là ông luôn đưa ra các phương pháp chiến thuật nhắm tới hiệu quả, gia giảm liều lượng giữa tấn công và phòng ngự một cách phù hợp nhất có thể, tùy vào yêu cầu trận đấu và tình hình nhân sự. Sẽ rất quy chụp nếu nói thứ bóng đá của Miura là “chỉ dùng sức”.

Trái lại, ông rất linh hoạt. Nếu chỉ dùng sức, sẽ không bao giờ có những pha phối hợp, những pha dứt điểm đẹp mắt, có thế trận phản công sắc sảo như ở Asiad hay AFF Cup. Mà phải nhìn lại, cái “sức” đó, trước khi Miura đến, chúng ta đã có bao giờ chưa? Đã bao năm chúng ta bị người Mã, người Sing, tệ hơn là người Philippin vượt mặt cũng chỉ vì cái “sức”, cái đơn giản mà hiệu quả ấy. Quẩn quanh cầm bóng và loay hoay khi đến vòng cấm, đá ở thế cửa trên và thua vì những pha phản công chớp nhoáng hiếm hoi của đối thủ, chúng ta đóng vai nạn nhân quá nhiều lần rồi.

Người Nhật hay người Hàn họ đều dùng sức cả, chỉ là ngoài nó ra họ còn những phẩm chất khác. Nhưng nếu chúng ta “được voi đòi tiên”, trong thời gian ngắn mà đồng thời có đủ hết những thứ ấy, thì có vẻ con đường vươn tầm thế giới quá đỗi dễ dàng, bao nhiêu cường quốc đã làm bóng đá bài bản hàng chục năm sẽ phải nhìn Việt Nam mà kiêng nể. Có nhiều con đường đi đến vinh quang, Barca có con đường khác, Atletico Madrid, Chelsea có con đường khác, MU lại cũng khác. Chẳng ai sai cả, vì như thế mới là bóng đá.

Chỉ là, khi chúng ta không “ở ngoài nhìn vào”, không trung lập nữa, chúng ta là người Việt, xu hướng tất yếu là kỳ vọng cao, đòi hỏi nhiều, muốn mọi thứ phải thật hoàn mỹ để thỏa mãn lòng tự tôn. Có ai để ý và chê Stoke City đá “xấu xí” hay đẹp mắt, cầm bóng bao nhiêu phần trăm khi họ đá với Man City? Mà cần định nghĩa lại, trong thế giới này, chỉ có thô bạo, ăn vạ, tiểu xảo phi thể thao mới đáng bị coi là “xấu xí”. Và nếu trên đời chỉ có một loại bóng đá được yêu thích, thì hẳn nếu Barca có fan, đồng nghĩa với việc Chelsea sẽ không bao giờ có.

Sự tham lam của dư luận

Người ta mơ mộng về U19, về lối đá của ông Graechen “nếu” được sử dụng ở Vòng loại U23 châu Á. Người ta nhắc lại mãi chuyện đá “sòng phẳng” chỉ thua U19 Nhật sát nút để phủi bỏ thực tế là cấp độ đó khác rất nhiều độ tuổi U23. Có ai đem trận thắng Iran 4–1 ra để nói chúng ta đã tiệm cận, thậm chí vượt qua trình độ châu lục hay không? Không, vì như thế là ảo tưởng, dù về mặt tỷ số, một đội tuyển Việt đã đè bẹp đội tuyển đến từ nền bóng đá hàng đầu châu Á.

Không nên so sánh Graechen với Miura, công việc của họ khác nhau, một bên là “nhà sản xuất”, là đại diện cho một hệ thống của rất nhiều con người, còn một bên là cá nhân, một HLV đơn độc có nhiệm vụ lắp ghép, bày bố đội hình, chiến lược. Triết lý bóng đá của Graechen có thể bắt mắt, nhưng nếu xét trên những thực tế tại đấu trường thực tế, dựa vào đâu để nói ông sẽ làm tốt hơn Miura nếu có mặt ở đội tuyển?

Không ít người chê bai việc dùng sức mạnh, chê bai những kỹ xảo không “hồn nhiên” khi chơi bóng, nhưng HAGL của Graechen đã thất bại không ít trước các đội bóng V-League, vốn cũng chỉ hơn họ ở những ngoại binh nhanh, khỏe, những nội binh thiện chiến và dày dạn kinh nghiệm.

Họ đá mãi một kiểu, “cống hiến” mãi một kiểu, nhưng hàng công vẫn phải có những tiền đạo ngoại để làm tường, hàng thủ vẫn phải có trung vệ ngoại để chống bóng bổng, và có thể thủng lưới trước những đội thuộc top yếu nhất. Thực tế bày ra trước mắt là thế, song người ta vẫn tin họ sẽ đá ngang ngửa, sẽ chơi đẹp và đạt kết quả tốt trước những đội vượt trội về thể hình, thể lực, kỹ chiến thuật như Nhật Bản?

Dĩ nhiên, cái gì chưa xảy ra thì chưa thể khẳng định. Nhưng nếu vậy, cũng đừng ai cả quyết rằng, Graechen hay một người khác sẽ chinh phục được mục tiêu một cách thuyết phục hơn Miura. Đơn giản, nó là vô căn cứ. Miura đã làm nhiều việc mà không ai dám đứng ra làm, mang lại kết quả nhìn thấy, cầm nắm được, bất chấp có bao người phủ nhận những đóng góp của ông.

Công Phượng dưới tay Miura cũng buộc những người chưa hài lòng về mình phải có cách nghĩ khác. Không còn nhiều những pha đi bóng tối tăm, lạm dụng kỹ thuật cá nhân. Khả năng xử lý nhanh, đồng đội được tăng cường. Phượng cũng khôn ngoan hơn, giàu sức chiến đấu hơn, đôi lúc còn rất hăng hái hỗ trợ phòng ngự từ xa nữa. Về hiệu suất, em cũng đứng đầu về ghi bàn và kiến tạo. Ai có thể chê trách được một cầu thủ 20 tuổi như thế? Đương nhiên, cái “cảm giác” ăn ý, nhuần nhuyễn khi Phượng nằm trong lòng tập thể HAGL có bớt đi, nhưng tính thực chiến thì có tiến bộ trông thấy, thế chỗ cho sự giải trí.

Có thể Miura chưa tạo nên một “bản sắc” bóng đá như nhiều người đòi hỏi, nhưng ông đem lại thái độ, tác phong làm việc khoa học, nghiêm khắc “Nhật lai Đức”. Từ một đội tuyển chạm đáy, ông giúp họ vùng lên mạnh mẽ, biết đá và biết thắng. Danh hiệu tuy chưa có, nhưng sẽ rất mâu thuẫn nếu muốn vô địch ngay lập tức. Chúng ta đã đá bao nhiêu bao nhiêu năm mà chỉ giành cup có một lần, và vào lúc mà Miura đến, đại đa số vẫn chỉ khiêm tốn muốn thấy đội tuyển đá tốt là được, còn thành tích chưa cần đặt nặng, sau tất cả những gì diễn ra ba, bốn năm trở lại đây.

Chúng ta cũng không cần nâng Miura lên quá cao, không cần nghĩ ông là HLV hàng đầu thế giới, ông cũng chỉ đang làm công việc một cách cơ bản. Nhưng với đẳng cấp của bóng đá Việt, chỉ cần những thứ rất cơ bản như kỷ luật, tinh thần, thể lực được ông miệt mài cải thiện, nó cũng khá tốt rồi. Là một HLV tuyển quốc gia, ông là tâm điểm của người hâm mộ trong một nước, những người vốn thường ngày đã thích những lối đá khác nhau, hâm mộ những câu lạc bộ, cầu thủ khác nhau, làm cho ai cũng thích là chuyện bất khả thi. Fan Chelsea sẽ chẳng yêu cầu đội bóng phải đá giống Barca thì mới ủng hộ, nhưng chắc chắn Miura sẽ khó trông đợi suy nghĩ đó từ khán giả Việt Nam.

Với một nền dư luận như thế, ngày hôm nay chúng ta có thể nhắc đến Miura nhiều, nhưng có khi chỉ một hai cú sảy chân ở SEA Games là ông thầy ngoại lại bấp bênh, lại chịu chung số phận với các HLV ngoại trước kia chưa biết chừng. Thôi thì còn là HLV đội tuyển ngày nào, mong cho Miura sẽ tiếp tục tận tâm, tập trung vào việc của mình ngày ấy, chúc ông nhiều may mắn nữa, giống như nhiều người vẫn tin ông đã gặp may khi đối thủ yếu, khi họ chơi không hết sức, có mục tiêu khác,… Càng may càng tốt, bởi vì nhiều lúc, may mắn cũng là một trong những nhân tố cơ bản của thành công.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục