Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lại đẩy trách nhiệm

11:50 Thứ năm 02/02/2012

VPF không thể ra đời nếu như không có sự chấp thuận của VFF. Nhưng lạ thay chính Chủ tịch VFF lại lên báo phê phán và có phần đổ trách nhiệm cho công ty này.

Ai cũng biết, sự ra đời của VPF là tình thế cực chẳng đã đối với VFF nói chung và cá nhân ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF, nói riêng.

Bối cảnh ra đời của VPF chính là sự nổi giận của nhiều ông bầu, đặc biệt là bầu Kiên khi hàng loạt các vụ việc chẳng hay ho gì bùng phát cuối mùa bóng trước. Đương nhiên, thời điểm đó, quyền điều hành giải đấu nằm trong tay của VFF.

Không những vậy, thất bại ê chề của U23 Việt Nam tại SEA Games 26 cộng với sự lung túng đến cùng cực trong việc ứng xử với HLV Goetz đã khiến người hâm mộ bóng đá cả nước “nóng dữ dội trong người”.

Cũng cần thiết phải nhắc lại rằng dù đúng hay sai hay đúng đến đâu sai đến đâu chưa rõ nhưng một số ông bầu mà nổi bật là bầu Kiên lúc đó thực sự được lòng dư luận bằng màn “nổ sung” thẳng vào đầu VFF.
 
Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ

Và gần như chẳng còn cách nào khác, ông Nguyễn Trọng Hỷ buộc phải lấy ý tưởng thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) của chính bầu Kiên làm cái phao cứu sinh.

VPF ra đời và VFF cũng đã nắm tới 36,5% số vốn trong đó. Nhiều nhân sự của VFF cũ hoặc đương nhiệm cũng sang làm việc tại công ty này.

Thế nhưng, sau khi ra đời, lập tức VPF không bằng lòng với nhiều việc mà “cha” nó đã làm. Nhiều vấn đề đã được VFF nhẫn nhịn nhưng khi VPF động tới việc cha mình bán bản quyền truyền hình cho AVG thì gần như VFF không còn chịu đựng thêm được nữa. Chuyện này kết thúc thế nào thì đang còn phải chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng.

Thế nhưng, điều lạ lùng là ông Nguyễn Trọng Hỷ lại lên tiếng trên báo chí một cách cũng lạ kỳ là gần như đổ toàn bộ trách nhiệm những sự cố đầu mùa giải năm nay cho VPF. “Hiện tại, tôi cảm nhận thấy VPF đang rất tự tin, nhưng tôi lại có đôi chút lo lắng, vì gần như VPF vẫn chưa đọc được những tình huống, sự cố có thể xảy ra.

Trước đó khi VFF còn điều hành giải, tôi luôn nhận được báo cáo liên lục từ các giám sát về những diễn biến trước trong và sau trận đấu, nhưng bây giờ không hiểu anh Viễn có nhận được những báo cáo như thế không. Hiện tại, tôi đang là Chủ tịch VFF những cũng không nhận được những báo cáo nào, bởi trước mùa giải VPF tuyên bố không cần ban chỉ đạo.”

Không biết ngài chủ tịch có định “đổ vấy” mọi bất ổn của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại cho VPF hay không nhưng chắc chắn giới chuyên môn và người hâm mộ đều biết chất lượng V-League trong 11 năm qua do VFF quản lý ra sao.

Chỉ mong rằng Chủ tịch Hỷ đừng bao giờ quên ông là người đứng mũi chịu sào của bóng đá Việt Nam, đồng thời VFF cũng có tới 36,5% vốn trong VPF. Không chỉ vậy Phó CT HĐQT - VPF Lê Hùng Dũng, CEO của VPF Phạm Ngọc Viễn đều đang là những Phó Chủ tịch VFF. Nếu như đẩy toàn bộ trách nhiệm về những “bất ổn” của bóng đá Việt Nam sang cho VPF, vậy trách nhiệm của VFF ở đâu và trách nhiệm của cá nhân chủ tịch VFF ở chỗ nào?

Nhưng có một điều chắc chắn, nếu Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ vẫn áp dụng cách thức đẩy trách nhiệm như trên và như không ít lần trước đó kiểu như ông nói: “Có những lúc tôi đã bị mê hoặc vào chuyện tình cảm và đã cho ra đời 1 tổ chức, tôi cũng dốc nhiều tâm nguyện của mình vào đó và mong muốn VPF sẽ làm giống như Nhật Bản và Hàn Quốc để bóng đá VN phát triển mạnh như các nước trong châu lục. Nhưng cuối cùng đã không đạt được yêu cầu và chắc chắn sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn bạc lại” thì bóng đá Việt Nam không biết đến khi nào mới có thể bước ra khỏi “vùng trũng”.
Phạm Mạnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục