Nhiều người đã kịch liệt lên án lối chơi phòng ngự tiêu cực của Chelsea, họ đã ví von lối chơi mà Mourinho áp dụng trong trận hòa vừa qua là “Chiến thuật bầy dơi” hay “Chelsea và sơ đồ 8-1-1”. Trong khi đó, ở chiều ngược lại cũng rất nhiều người xem đó là việc hết sức bình thường và cho rằng Mourinho có cái lý để áp dụng chiến thuật phòng ngự tiêu cực đó. Họ cho rằng, Chelsea phải hành quân đến hiểm địa Vicente Calderol – nơi mà Atletico Madrid đã toàn thắng cả 5 trận ở Champions League (trước trận gặp The Blues), trong 5 nạn nhân ấy có cả Gã khổng lồ xứ Catalan, thế nên việc The Blues thủ hòa đã là một kết quả chấp nhận được.
![]() |
Chelsea chơi phòng ngự số đông vì sợ Atletico? Ảnh: Internet |
Nói chung, ai cũng có cái lý do để mà phê phán hay bảo vệ Mourinho, thế nhưng suy cho cùng cũng chỉ xuất phát bởi hai yếu tố chính đó là: quan điểm về bóng đá và lẽ ghét thương. Như chúng ta đều biết, bóng đá có hai trường phái chủ đạo là tấn công và phòng ngự, chính điều đó cũng hình thành nên hai quan điểm “bóng đá vị nghệ thuật” và “bóng đá thực dụng”. Và lẽ thường thì mỗi HLV sẽ chọn cho riêng mình một bài tủ (gọi nôm na là sở trường). Hiếm có HLV nào tôn sùng cả hai trường phái tấn công và phòng ngự, cái hay của một người cầm quân là cân đối hài hòa giữa tấn công và phòng ngự mà thôi!
Vì thế cho nên, nếu những ai tôn sùng lối bóng đá tấn công, muốn thưởng thức một trận cầu đẹp mắt, hấp dẫn và nhiều bàn thắng thì chắc chắn họ sẽ không thể chấp nhận lối chơi mà Mourinho đã áp dụng trong trận hòa với Atletico Madrid vừa qua. Họ gọi lối chơi của Mourinho áp dụng đó là “phản bóng đá”, là tiêu cực và xứng đáng bị lên án. Suy cho cùng, họ có lý do để mà chỉ trích và châm biếm Mourinho.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại có rất nhiều người đồng cảm với Mourinho, họ cho rằng đó là một chuyện hết sức bình thường. Những người bảo vệ Mourinho đa phần là những người thần tượng ông, yêu mến Chelsea hoặc là fan hâm mộ trung thành của lối đá thực dụng, đặt hiệu quả lên hàng đầu. Bóng đá cũng là một cuộc chơi và đôi lúc kết quả là quan trọng nhất, vì thế những người bảo vệ, đồng cảm với Mourinho cũng có những lý do riêng của họ!
Sự tranh cãi bất tận xung quanh về Mourinho không chỉ xuất phát từ quan điểm về bóng đá mà còn bắt nguồn từ yếu tố cảm tính. Sự đánh giá, nhận xét đôi lúc cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự chủ quan (nếu yêu thì ra sức bảo vệ, ca tụng và ngược lại khi ghét thì châm biếm, chỉ trích, lên án). Đôi lúc yêu cái này thì sẽ mặc định ghét cái kia. Những ai yêu bóng đá đẹp thì chắc chắn sẽ không ưa gì lối chơi thực dụng của Mourinho và ngược lại. Ngoài ra, khi đã yêu hay ghét một ai thì hẳn chúng ta có hơn một lý do để bảo vệ hoặc vùi dập, đấy là một chuyện hết sức bình thường!
Ca dao Việt Nam có câu:
“Thương nhau trái (củ) ấu cũng tròn
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”
Yêu và ghét là hai thái cực tình cảm trái ngược nhau trong một con người, vì vậy mà sự đánh giá, nhận xét về một sự việc, một nhân vật nào đó đôi lúc cũng bị chi phối bởi những yếu tố tình cảm. Thế nên, những tranh cãi về con người Mourinho, về lối chơi đã làm nên thương hiệu của ông có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết. Đơn giản cuộc sống vốn dĩ là yêu và ghét, thế thôi…!