Nếu chúng ta để ý thì trước khi Pep Guardiola thì Barca chưa hề bị mang tiếng là đội bóng kịch sĩ. Nếu để ý hơn nữa là từ khi đội bóng của Pep gặp Inter Milan của Mourinho thì Barca mới nổi lên là đội bóng kịch sĩ. Tại sao lại như thế? Kể từ Mourinho dẫn dắt Inter Milan thì ông vẫn duy trì lối đá sở trường của mình: phòng thủ là trên hết. Từ trận bán kết lượt đi Champions League 2009-2010, gặp lối đá thực dụng, Barca của Pep dường như hết phép, bị thua 1-3. Làm gì, làm gì để phá vỡ hệ thống phòng ngự xe buýt ấy? Rồi câu trả lời đã được giải đáp ở trận lượt về, Busquets ăn vạ khiến Thiago Motta bị đuổi. Tuy nhiên, dù có hơn người Barca vẫn không thể đi tiếp dù giành chiến thắng 1-0.
![]() |
Từ khi gặp “người đặc biệt” Mourinho - Ảnh Internet. |
Sau khi cùng Inter Milan vượt qua Barca để giành ngôi vương Champions League lịch sử, Mourinho lại trở thành huấn luyện viên Real, kẻ thù không đội trời chung của Barca. Từ đây màu sắc kinh điển không còn mang màu sắc cống hiến nữa mà là những màn triệt hạ đối thủ của Real và những màn ăn vạ của cầu thủ Barca. Thù hận lại càng thêm chồng chất, siêu kinh điển trở thành show diễn của những kịch sĩ và tiều phu. Real thành chân tiểu nhân, Barca thành ngụy quân tử. Real có món võ là triệt hạ đối thủ, Barca cũng có món võ là ăn vạ.
Siêu kinh điển đã không còn đúng nghĩa của nó nữa.
Lỗi tại ai? Barca quá mạnh, lối đá đầy kỹ thuật, nếu không dùng lối đá rắn phòng ngự phản công thì làm sao có thể hạn chế. Cầu thủ Real chấp nhận lĩnh thẻ, để hạn chế tối đá lối đậm chất kỹ thuật của Barca. Còn Barca thì sợ gì? Sợ Real đá rắn khiến mình bị chấn thương? Hay sợ mình không thể giành chiến thắng? Họ đành phải ăn vạ, cầu thủ Real vừa chạm vào đã ngã té nhào, ôm mặt kêu đau đớn. Tình huống Pepe nhận thẻ đỏ sau pha vào bóng chưa chạm đến chân của Alves đã nói lên tất cả. Có nhất thiết là phải chiến thắng bằng mọi giá thế không Barca?
Người ta càng ghét những kẻ chơi xấu, triệt hạ đối phương bao nhiêu thì người ta càng ghét những kẻ ăn vạ bấy nhiêu Barca à! Nhưng nếu những hành động triệt hạ đối thủ có thể bị phạt nặng cấm thi đấu này nọ, thì ăn vạ giỏi lắm là thẻ vàng (thậm chí thẻ đỏ). Vậy tại sao lại không xài Barca nhỉ?
|
Barcelona đã biết cách “ăn vạ” - Ảnh Internet. |
Lối đá của Mourinho thực dụng không thế chối cãi nhưng đó là thế mạnh là tư duy của ông xưa nay. Vì thế đừng trách ông, còn Barca xưa nay đá đẹp, dùng bản lĩnh của mình khiến đối thủ tâm phục khẩu phục, nhưng giờ đây bên cạnh ấy lại còn thêm những màn tiểu xảo ăn vạ. Thắng không đẹp, thua cũng chả vinh quang. Cho nên Barca thà thắng xấu xí còn hơn thua đẹp! Trận lội ngược dòng mới đây trước Sevilla có thể sẽ đưa vào sách giáo khoa nếu như không có màn ăn vạ thô thiển của Fabregas. Rồi đêm mai, rạng sáng ngày 8/10, Real của Mourinho lại gặp Barca trong trận siêu kinh điển lượt đi La Liga 2012-2013. Real của Mourinho bây giờ đã không còn chặt chém như ngày xưa nữa, nhưng Barca vẫn còn đó những kịch sĩ ăn vạ. Đừng đổ lỗi vì đối thủ chơi xấu mà mình phải chơi xấu lại. Barca ơi xin đừng đào tạo thêm kịch sĩ nữa!
Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Điều đó có nghĩa là những hành động ăn vạ của Barca ngày càng trở thành thói quen, rồi lâu dần trở thành phong cách. Tại sao Tây Ban Nha cũng đá tiqui-taca với bộ khung từ Barca nhưng Tây Ban Nha có bao giờ mang tiếng cầu thủ ăn vạ đâu? Phải chăng, Barca thấy tiqui-taca còn thiếu sót một điều đó là “ăn vạ” trong triết lý bóng đá của mình?
(Bạn đọc: Ragone Mignon)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam