![]() |
Nhiều chuyên gia và người hâm mộ cho rằng bóng đá Việt Nam thua Thái Lan quá xa. Ảnh: Nhật Minh. |
Nhiều năm nữa là bao nhiêu? 5 năm, 10 năm phải không? Tôi cho rằng nhận định này là tiêu cực, là nhụt chí. Đâu phải cứ thấy đường bóng cầu thủ Thái Lan đưa qua đưa lại chuẩn xác, đẹp mắt giống Barcelona, cách đá bóng của người Thái có chiến lược, chiến thuật bài bản có những miếng đánh trung lộ nhuần nhuyễn... mà ta cho rằng bóng đá Thái Lan có đẳng cấp hơn bóng đá Việt Nam chúng ta.
Sao ta không thấy đội U19 Hoàng Anh Gia Lai đá đẹp mắt quyến rũ, cũng bài bản cũng giống Barcelona và đã từng thắng U19, U21 Thái Lan? Sao ta không thấy thời huấn luyện viên Calisto đã thắng Thái Lan tại giải vô địch Đông Nam Á 2008 ở Mỹ Đình?
Qua đó, tôi cho rằng trình độ cầu thủ bóng đá Việt Nam không thua trình độ cầu thủ Thái Lan mà Việt Nam còn có nhiều cầu thủ tài năng nổi tiếng hơn hẳn Thái Lan. Không nói đâu xa, gần đây nhất là lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,...
Như vậy, tại sao Việt Nam thua Thái Lan? Tôi cho rằng ta thua là do ta không có hoạch định chiến lược bóng đá đúng đắn. Lúc thì thuê HLV với lối đá nhỏ gắn kết như ông Calisto, ông Guillaume Graechen. Lúc thì thuê HLV với lối đá chuyền dài, thiên về sức mạnh như ông Miura.
Trước đó cũng vậy. Cả một quá trình dài bóng đá Việt Nam thay đổi lối đá liên tục từ năm này sang năm khác. Trong khi đó bóng đá Thái Lan thì sao? Theo tôi họ chọn duy nhất một lối đá chuyền nhỏ dựa vào kĩ thuật cá nhân khéo léo, phối hợp đồng đội nhịp nhàng, nhuần nhuyễn.
Nhưng do đâu họ làm được như vậy? Chắc có lẽ họ huấn luyện các đội tuyển từ U16, U19, U23 và cả đội tuyển theo một giáo án duy nhất. Minh chứng là các đội này đều có một lối đá giống nhau. Chính vì vậy, SEA Games vừa rồi U23 của ta thua họ, U19 thua họ, rồi mới đây đội tuyển của ta cũng thua họ. Cách thua đều giống nhau và đều với tỉ số đậm.
Hình thành lối đá đó hình như đã ăn vào da thịt của từng cầu thủ, của HLV và của Liên đoàn bóng đá Thái kể từ sau những lận đận thuê HLV ngoại không thành công. Ta thử tính, đội U23 thì họ lấy U19 là nòng cốt bổ sung thêm những cầu thủ có chất lượng, đội tuyển lấy từ U23, mà những đội này đã được huấn luyện với kỹ chiến thuật giống nhau. Khi cần thi đấu họ tập hợp hoàn thiện là xong. Điều này HLV nội làm cũng được không cần HLV ngoại.
Còn ta thì sao? Khi thành lập đội tuyển phải chạy vạy khổ sở tìm cầu thủ thích hợp với lối đá của HLV, rồi còn phải cho học từng đường chuyền, cách phối hợp đồng đội, rồi chọn lựa đội hình, thi đấu tập,... trong chỉ vài tháng thử hỏi sao thành công được. Thua là điều hiển nhiên, khỏi cần bàn luận.
"Người học tủ làm sao thi đậu được, đậu được là nhờ may mắn trúng tủ." Đó là cơ sở khoa học, ta thua Thái Lan không phải vì đẳng cấp mà vì cách làm của LĐBĐ chúng ta. Theo tôi chúng ta phải cải cách chọn một lối đá duy nhất là lối đá kĩ thuật cá nhân phối hợp nhỏ làm kim chỉ nam suốt quá trình đào tạo đội tuyển từ U16, U19, U23,... theo cách của HLV Calisto cũng như của ông Guillaume Graechen.
![]() |
Muốn có nền bóng đá mạnh, bóng đá Việt Nam phải thay đổi nhiều. Ảnh: Minh Ngọc. |
Rất may mắn là ta có học viện HAGL, có ông Graechen là bậc thầy về gõ đầu trẻ với lối đá kĩ thuật hoa mỹ đã đào tạo thế hệ vàng. Chỉ tiếc ông Graechen làm thầy thì giỏi, làm HLV thì chưa có kinh nghiệm.
Muốn đánh bại Thái Lan ngay từ bây giờ, khi hình thành đội tuyển U16, U19, U23, đội tuyển, chúng ta phải có ban huấn luyện chung thống nhất từ Liên đoàn huấn luyện chỉ theo một giáo án cơ bản từ cách phối hợp nhỏ kĩ thuật cá nhân khéo léo, cho đến kĩ chiến thuật, cách bố trí đội hình, cự ly đội hình, phối hợp đồng đội, cách chạy chỗ, lên công về thủ, miếng đánh trung lộ, miếng đánh biên,...
Như vậy khi chuyển từ U16 lên U19, U19 lên U23, U23 lên đội tuyển cơ bản chúng ta đã có đội hình lý tưởng được học tập bài bản. Một đội hình mà các cầu thủ đã tập luyện, 'ăn rơ' với nhau trong thời gian dài, lúc này chỉ cần dành một ít thời gian để hoàn thiện thêm là có thể đem đi thi đấu.
(Bạn đọc: Lê Văn Thọ)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam