AS Roma phải trở thành CLB làm kinh doanh:Không đầu tư thì còn mơ mà kiếm tiền

15:15 Thứ ba 25/06/2013

Thời hoàng kim của Roma gắn với gia đình Sensi đã qua từ lâu. Từ khi Nữ Chủ tịch Rosella Sensi bán lại CLB để trang trải nợ nần, đội bóng Thủ đô luôn được hứa hẹn sẽ được đầu tư hòng cải thiện thành tích trên sân cỏ. Nhưng rồi thì từ đó đến nay, người ta chẳng thấy biến đổi gì.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

James Pallotta đã trở thành đời Chủ tịch chính thức thứ 2 sau thời của gia đình nhà Sensi với hai cha con Franco và sau đó là Rosella suốt 2 thập kỷ (1993-2011). Cũng giống như người tiền nhiệm Thomas Di Benedetto, James Pallotta cũng là một tỷ phú Mỹ có gốc gác Italia. Những hội CĐV của Roma đã có cơ sở để tin rằng đó là thứ sẽ khiến diện mạo của đội bóng dần thay đổi. Nhưng thực tế thì không phải, những nhà kinh doanh người Mỹ (dù có gốc Italia) thì vẫn luôn đặt chuyện đầu tư lên trước tiên. Và nếu đội bóng không làm ra tiền, họ sẽ tìm cách tháo chạy trước tiên.

Thomas Di Benedetto là một doanh nhân như thế. Ông đã bỏ chạy dù mới chỉ đầu tư vào Roma được có 1 năm. Những người Mỹ thực dụng không bao giờ tìm cách bỏ tiền của đầu tư vào thứ mà họ không nhìn thấy cửa kiếm tiền của nó. Quan điểm của James Pallotta cũng vậy. Ông chủ của Roma hiện mới bắt tay vào đầu tư cho đội bóng được gần 1 năm, mới đây cũng tuyên bố Roma cũng giống như các CLB thể thao khác mà ông đang sở hữu, phải trở thành một công cụ kiếm tiền. Ông đưa ra ví dụ về mô hình của CLB bóng rổ chuyên nghiệp tại giải nhà nghề Mỹ, Boston Celtics, đội bóng mà ông cũng đang sở hữu. “Các CLB bóng đá nên được điều hành theo chiến lược của những nhà kinh doanh, chứ không phải người ta đầu tư vào đó để mua vui. Celtics đang trở thành đội bóng kiếm ra tiền. Bóng đá và bóng rổ có thể khác nhau đôi chút, nhưng cách vận hành để tạo ra doanh thu thì những CLB thể thao nào cũng giống nhau”, Pallotta phát biểu trên tờ Financial Times.

Nói về mùa giải đã qua, ông chủ của Roma cho rằng đó là một năm thất vọng vì Roma không đạt được mục tiêu gì, thất bại ở trận chung kết Coppa Italia và kết thúc mùa giải Serie A ở vị trí thứ 6, không có vé đi cả Europa League. Tuy nhiên, người ta vẫn chẳng thấy dấu hiệu của một cuộc cải cách về nhân sự, đặc biệt là trong hoạt động chuyển nhượng. Có một điều chắc chắn rằng những nhà đầu tư người Mỹ thì luôn rất thận trọng trong việc kinh doanh. Trừ phi CLB có được những khoản thu lớn, bằng không họ sẽ chẳng bao giờ tái đầu tư vào hoạt động chuyển nhượng.

Nên nhớ, mô hình kinh doanh như Manchester Utd không phải đội bóng nào cũng đạt được. Và có lẽ, cũng chỉ có những ông chủ người Mỹ của MU là những người đang có được sự may mắn khi sở hữu một nền tảng quá tốt từ trước đó nên giờ đã biến được CLB thành một cỗ máy kiến tiền. Còn ở những CLB khác như trường hợp của Roma thì e rằng sẽ khó để CLB Thủ đô của Italia trở thành một cỗ máy kiếm tiền, nhất là khi người ta lại chẳng đầu tư mạnh vào nó.

Minh Hiếu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục