Alan Pardew - Duyên nợ định mệnh với FA Cup và tiết lộ về Sir Alex Ferguson

19:11 Thứ ba 01/07/2025

Cúp FA là một phần định hình nên sự nghiệp của Alan Pardew. Ba lần đầu tiên với tư cách cầu thủ, sau đó là hai lần với tư cách huấn luyện viên, ông đã đánh mất vinh quang một cách đầy kịch tính trong các trận chung kết.

Alan Pardew giờ đây đã nắm một vai trò mới
Alan Pardew giờ đây đã nắm một vai trò mới.

Lời thú nhận của một cựu HLV và cầu thủ

Alan Pardew, 63 tuổi, giờ đây đang điều hành công ty tư vấn của riêng mình, làm việc với các ông chủ câu lạc bộ, giám đốc kỹ thuật và các nhà quản lý. “Liệu tôi có trở lại công việc huấn luyện bóng đá không? Tôi không biết” ông nói. “Tôi khá thích vai trò này. Có quá nhiều tiền đang bị lãng phí trong bóng đá và có lẽ việc ngồi lại bàn bạc với người đã từng trải, khi bạn nhìn vào kinh nghiệm của tôi, là một điều tốt tốt.”

“Tôi không có lý do gì để giấu giếm và có thể thẳng thắn, nhìn nhận mọi thứ khách quan hơn một chút. Khi tôi nhìn vào những nhà quản lý lớn tuổi, tôi không nghĩ họ được sử dụng một cách hiệu quả, và đây là cách để khai thác kinh nghiệm đó.”

Trước trận bán kết Cúp FA của Crystal Palace gặp Aston Villa, Telegraph Sport đã có cuộc trò chuyện với Pardew, cựu tiền vệ và huấn luyện viên của Palace, về những gì đã xảy ra vào năm 1990 và 2016, những lần Palace lọt vào trận chung kết của một giải đấu, và khi ông dẫn dắt West Ham United trong trận chung kết năm 2006.

"Super Al" Ra Đời, Kỳ Tích Năm 1990

Bán kết năm 1990: Crystal Palace 4-3 Liverpool

Trận bán kết với Liverpool tại Villa Park, là nơi khởi đầu cho huyền thoại của Pardew. Palace thắng 4-3 sau hiệp phụ, với Pardew ghi bàn thắng quyết định bằng cú đánh đầu chuẩn xác.

“Họ đã đánh bại chúng tôi 9-0 ở giải VĐQG vào tháng 9” Pardew nhớ lại. “Wrighty [Ian Wright] bị gãy chân và Steve Coppell đã sắp xếp đội hình với hàng tiền vệ năm người, Brighty [Mark Bright] đá cao nhất và tôi nghĩ, ‘Điều này sẽ hợp với tôi’ với ba tiền vệ khá giàu thể lực: tôi, Andy Gray và Geoff Thomas.

Chúng tôi cảm thấy đội hình lúc đó chắc chắn hơn và mọi thứ sẽ ổn thôi. Sẽ không để thủng lưới 4 hay 5 bàn nữa. Chúng tôi tin mình sẽ thắng. Tỷ số thua 0-9 trước đó chính là động lực, chúng tôi nghĩ: ‘Chúng tôi sẽ đối phó được với họ.’

Hiệp một diễn ra và tôi đã để mất bóng, dẫn đến bàn thua đầu tiên, Ian Rush là người ghi bàn. Tôi hầu như chẳng chạm được bóng. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng lúc nghỉ giữa hiệp, tôi nghĩ: ‘Mình có thể sẽ bị thay ra mất.’

Steve rất thông minh, ông ấy chỉ nói: ‘Các cậu sẽ quay lại sân, nhưng chúng ta sẽ không còn là đội bóng như trước nữa. Đội bóng khi nãy không phải chúng ta. Đó không phải điều chúng ta hướng tới. Đó không phải Crystal Palace. Chúng ta sẽ chiến đấu.’

May mắn thay, chúng tôi có bàn thắng ngay lập tức và đột nhiên cả trận đấu như sống lại, sân vận động cũng bùng nổ trở lại, mọi thứ trở nên hỗn loạn. Ai cũng tưởng chúng tôi đã thắng rồi, vậy mà họ lại gỡ hòa. Nghĩ lại thì cũng thật kỳ lạ, một đội từng thắng mình 9-0 mà dẫn trước hai lần vẫn không thắng được.

Hiệp hai đúng nghĩa là hỗn loạn, Palace gỡ hòa hai lần và trận đấu kết thúc 3-3 sau 90 phút. Sau đó sang hiệp phụ, phút 109, Palace được phạt góc. Andy Thorn đánh đầu nối và tôi đã có mặt đúng lúc, chen giữa Alan Hansen và Ronnie Whelan để đánh đầu tung lưới. Bình luận viên nổi tiếng của BBC, John Motson đã thốt lên: “Đâu đó từ đám đông, Pardew xuất hiện!” Với Palace, một huyền thoại vừa ra đời.

Khoảnh khắc của tôi đã đến, trước lúc đó, tôi chỉ là một cầu thủ bình thường, chưa bao giờ được báo chí nhắc tới. Lúc nào cũng nghe mấy câu kiểu ‘Loại Pardew ra khỏi đội, chắc đội này cần người khác thay chỗ đó’. Kiểu như Adam Wharton bây giờ vậy.

Khoảnh khắc vàng gọi tên Alan Padrew
Khoảnh khắc vàng gọi tên Alan Pardrew.

Đó là  tình huống cố định mà chúng tôi đã tập rất kỹ, đánh đầu nối ở cột gần. Chúng tôi nghĩ Liverpool hơi chậm, họ tập trung nhìn bóng, nên tôi đã lẻn vào. Đột nhiên tôi trở thành người hùng. Tôi xem lại bàn thắng vài lần và thấy camera lia vào mình mà tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi nhìn quanh, nghĩ: ‘Chuyện gì vừa xảy ra vậy nhỉ?’.

Tôi có thể nói thật thế này: Nếu tôi không ghi bàn đó, tôi đã không trở thành HLV. Dù chuyện này luôn ở trong tôi, tôi luôn giỏi trong phòng thay đồ, luôn quan tâm chiến thuật và động viên tinh thần, nhưng tôi không nghĩ mình có đủ tên tuổi nếu không có khoảnh khắc đó. Bàn thắng ấy khiến mọi người biết đến tôi hơn và tôi cũng chơi hay hơn sau đó.

Tôi chỉ mới trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi đã gần 26 tuổi, điều khó mà xảy ra vào thời điểm bây giờ, tôi ký hợp đồng từ Yeovil Town với giá 7.500 bảng. Trước đó, tôi vừa đá nghiệp dư vừa làm thợ kính.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được công nhận.Tôi luôn cảm giác như người ngoài, cho đến lúc tôi nhận ra: ‘Mình đá giỏi như mấy người này mà’. Từ đó tôi tự tin hơn. Trận bán kết đó cực kỳ quan trọng với tôi và với người hâm mộ Palace. Nó gắn kết tôi với họ, đến mức họ còn có hẳn một bài hát về tôi.

Trước bàn thắng, khẩu hiệu “Super, Super Al” từng chỉ là câu đùa mỉa mai về tôi. Nhưng sau đó, sự mỉa mai biến mất. Đó chắc chắn là điểm nhấn trong sự nghiệp của tôi, không còn nghi ngờ gì nữa,” Pardew nói.

Trận Đấu Cứu Vãn Sự Nghiệp Fergie – Chung Kết 1990

Chung kết năm 1990: Manchester United 3-3 Crystal Palace (Đá lại: Manchester United 1-0 Crystal Palace)

“Chúng tôi lẽ ra phải thắng trận đầu tiên” Pardew nhớ lại, với trận hòa 3-3 đầy kịch tính khác, lần này là cuộc đụng độ Manchester United, dẫn đến một trận đá lại vào giữa tuần cũng tại sân Wembley. Khi còn 7 phút trong trận đấu đầu tiên, Palace dẫn 3-2 sau cú đúp của Ian Wright khi tiền đạo này trở lại đội hình. Sau đó, Mark Hughes có quá nhiều không gian và ghi bàn thắng gỡ hòa.

“Chúng tôi đã để anh ấy gỡ hòa quá dễ và điều đó không nên xảy ra. Với tư cách là một huấn luyện viên, tôi nhìn vào đó và nghĩ, ‘Chà, một bàn thua tệ hại’,” Pardew nói.

"Sau đó, trong trận đá lại, hai đội đã tìm hiểu quá rõ về nhau, và đó thật sự là một trận đấu xấu xí. Alex [Ferguson] đã thay thủ môn, đưa Les Sealey vào thay Jim Leighton. Đó là một quyết định rất lớn, và Jim từ đó không bao giờ nói chuyện với Alex nữa.

Trận hòa kịch tính giữa M.U và Palace buộc 2 đội có trận đá lại sau 1 tuần
Trận hòa kịch tính giữa M.U và Palace buộc 2 đội có trận đá lại sau 1 tuần.

Mọi người vẫn hay nói chiến thắng trước Nottingham Forest ở vòng ba đã cứu chiếc ghế HLV của Alex. Nhưng nếu nghĩ kỹ, nếu hôm đó chúng tôi đánh bại họ trong trận chung kết, có lẽ ông ấy đã phải ra đi rồi.

Sau trận hòa 3-3, tôi đang đi xuống đường hầm thì thấy Alex. Tôi thầm nghĩ, ‘Ông ấy thực sự thở phào được rồi đấy. Ông ấy biết mình thoát rồi. Tôi vẫn nhớ mình đã tự hỏi, ‘Mmm, không biết chúng ta có vừa bỏ lỡ cơ hội lớn không nhỉ?’. Và đúng là chúng tôi đã bỏ lỡ.

Lúc đó Ferguson chịu áp lực khủng khiếp vì United chỉ đứng thứ 13 ở giải đấu. Mùa đó còn nổi tiếng với tấm biểu ngữ ở Old Trafford: “4 năm bào chữa mà vẫn rác rưởi. Tạm biệt Fergie.” Nhưng rồi sau khi giành Cúp FA, ông ấy có thêm 37 danh hiệu khác lần lượt theo sau.

Trong trận đá lại, chúng tôi chơi không tốt,” Pardew nói. “Chúng tôi thậm chí không thích bộ quần áo thi đấu [sọc vàng đen], nó xấu kinh khủng, nhìn như ong nghệ vậy! Đó là một đêm lạ lùng. Vì chúng tôi là câu lạc bộ nhỏ hơn nên ở trận đầu tiên mọi người còn tôn trọng, còn trận đá lại giữa tuần thì khác. Tôi cũng không hiểu sao, chúng tôi ra sân mà trông cứ như lạc lối.”

Hậu vệ cánh Lee Martin ghi bàn thắng duy nhất trong một trận đấu không mấy hấp dẫn.

Trong trận chung kết Cúp FA, xuất phát điểm của tôi chỉ là đá nghiệp dư mà. Nhưng khi tôi đi bộ trở lại sân, cúi xuống nhìn tấm huy chương của mình, trong khi Manchester United đang ăn mừng, còn người hâm mộ Palace thì lục tục ra về, tôi mới phát hiện họ đưa nhầm cho tôi… huy chương của trọng tài! Tôi cảm giác như bị chơi khăm! Thế là tôi phải lóc cóc đi vào phòng trọng tài để đổi lại.”

Man Utd đánh bại Palace và mở ra kỉ nguyên thống trị nước Anh
Man Utd đánh bại Palace và mở ra kỉ nguyên thống trị nước Anh.

Lúc đó, Pardew còn kiêm luôn vai trò thư ký xã hội của Palace, tự tay tổ chức bữa tiệc sau trận cho các cầu thủ. “Tôi khá giỏi trong việc tập hợp mọi người lại. Nhưng rồi tôi nhận được cuộc gọi từ tờ The Daily Star, họ muốn chụp ảnh tôi vào hôm sau. Tôi cứ nghĩ, ‘Cái quái gì đây?’ Thế là tôi xuất hiện, người thì vẫn còn say từ đêm trước, họ bảo tôi leo lên xe đạp và cứ thế tôi đạp lòng vòng trong khi họ chụp ảnh. Tôi chỉ nghĩ, ‘Chuyện này đúng là ảo thật!’”

Gerrard Và Lời Xin Lỗi Bất Ngờ – Năm 2006

Chung kết năm 2006: Liverpool 3-3 West Ham (Liverpool thắng 3-1 trên chấm luân lưu)

Lần này Pardew là huấn luyện viên của West Ham, một lần nữa đối đầu với Liverpool. Nhưng trận đấu diễn ra tại Sân vận động Thiên niên kỷ ở Cardiff vì Wembley đang được sửa lại. Đây trở thành trận chung kết của Gerrard.

“Tôi phải nói rằng, ngoài đội Newcastle của tôi từng về đích thứ năm [mùa 2011-12], thì đó chính là đội bóng hay nhất mà tôi từng dẫn dắt” Pardew nói. “Dean Ashton lúc ấy hoàn toàn khỏe mạnh và anh ấy là cầu thủ hay nhất mà tôi từng huấn luyện. Anh ấy lẽ ra đã là tiền đạo chủ lực của tuyển Anh trong nhiều năm, nhưng trớ trêu thay, chấn thương mắt cá chân đã chấm dứt sự nghiệp của anh ấy, mà nó lại xảy ra trong một buổi tập của đội tuyển. Chấn thương đó có lẽ cũng là một phần lý do khiến tôi mất việc ở West Ham.”

“Đó cũng là năm chúng tôi chiêu mộ Carlos Tevez và Javier Mascherano sau World Cup. Bạn thử tưởng tượng xem mọi thứ sẽ ra sao nếu khi đó Dean Ashton vẫn khỏe mạnh? Anh ấy để lại một khoảng trống lớn trong đội hình của chúng tôi.”

“Trận đó rất giống với chung kết năm 1990. Chúng tôi ghi bàn và họ cũng ghi bàn. Tôi đã nghĩ 'Lại xảy ra rồi đây’. Khi chúng tôi dẫn 3-2, có một thời điểm tầm phút 80, Liverpool còn chẳng làm được gì. Họ không hề khiến chúng tôi sợ. Và rồi câu nói bất hủ của Peter Grant [trợ lý của tôi] vang lên: ‘Người duy nhất có thể cướp mất chiến thắng này của chúng ta là Steven Gerrard. Sao chúng ta không để Nigel Reo-Coker theo kèm anh ấy?’ Thế là chúng tôi làm vậy.”

“Và nếu bạn xem 8 phút cuối cùng, bạn sẽ thấy Nigel đã theo sát Gerrard như thế nào và khiến anh ấy bực bội, lùi sâu hơn. Nigel thì nghĩ, ‘Không cần lo về anh ta nữa’ và tập trung bảo vệ hàng thủ. Và tất nhiên, Gerrard chỉ cần nã một cú sút xa 35 mét.”

Siêu phẩm của Gerard nhấn chìm hy vọng vô địch của Padrew
Siêu phẩm của Gerard nhấn chìm hy vọng vô địch của Pardrew.

"Bàn thắng đó đến đúng phút bù giờ. Chúng tôi đã rất gần chiến thắng. Chỉ còn 30 giây, vậy mà một cầu thủ West Ham vẫn giữ bóng trong sân, chuyền ngược vào thay vì sút ra ngoài chịu ném biên. Đó là Lionel Scaloni, cầu thủ chúng tôi đang mượn, người sau này thành HLV Argentina, dẫn dắt họ vô địch World Cup gần đây."

“Scaloni là người cực kỳ tốt bụng, cậu ấy cực kì lịch sự” Pardew nói. “Tôi chưa bao giờ trách cậu ấy về pha bóng đó và tôi thật sự vui khi học trò của mình vô địch World Cup. Rõ ràng là cậu ấy đã học chiến thuật từ tôi!”

Sau cú sút xa đó, camera lia vào tôi, gương mặt tôi hiện rõ trên màn hình lớn trong sân. Tôi chỉ nở một nụ cười chua chát.

“Lúc đó đầu óc tôi vẫn quá tập trung vào trận đấu” Pardew kể. “Bạn hoàn toàn có thể thua vì những bàn thắng kiểu như vậy mà, dù đó là bàn thắng không thể tin nổi. Nhưng suy nghĩ đầu tiên của tôi là, ‘Thủ môn [Shaka Hislop] lẽ ra phải cản được quả đó.’ Nhưng thôi, mọi chuyện đã vậy rồi, giờ chúng tôi phải đá hiệp phụ. Tôi chỉ tự nhủ, ‘Tỉnh táo lại nào. Mình còn phải vực dậy tinh thần cho mấy cậu nhóc trong vài phút tới.’ Và lẽ ra chúng tôi phải thắng trong hiệp phụ, khi Marlon Harewood còn bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn. Liverpool khi ấy dâng quá cao nên họ đã kiệt sức và tôi thật sự nghĩ chúng tôi sẽ thắng. Nhưng rồi chúng tôi lại không ghi được bàn nào.”

Về loạt sút luân lưu, Pardew chỉ nhún vai: “Tôi thậm chí còn chẳng nhớ ai đá hỏng nữa. Chúng tôi đã tập đá luân lưu suốt ba tuần, buổi nào chúng tôi cũng tập. Tôi luôn dặn họ: ‘Hãy chọn hướng sút pen mà bản thây các cậu thấy ổn và cứ kiên định với nó đi, giống như vung gậy đánh golf vậy.’ Nhưng rốt cuộc nó vẫn là cậu chuyện may rủi mà thôi.”

Liverpool thắng 3-1 trong loạt luân lưu và Pardew bày tỏ: 

“Sự khác biệt của việc thua trận với tư cách là cầu thủ và thua với tư cách là huấn luyện viên, nằm ở chỗ khi còn là cầu thủ, thua thì đau thật nhưng với vai trò huấn luyện viên, nỗi đau ấy kéo dài lâu hơn nhiều. Bạn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm. Bạn thương các cầu thủ, nhất là những người buồn bã vì thất bại. Bạn thấy xót xa cho tất cả những ai liên quan đến CLB. Thật sự rất khó khăn, khó hơn nhiều so với khi bạn còn là cầu thủ. Là huấn luyện viên, bạn phải gánh vác tất cả.”

“Nhưng tôi không tự trách mình rằng lẽ ra tôi phải làm gì khác. Tôi còn tự hào hơn về việc Peter [trợ lý] đã nhìn ra được mối nguy. Đó là điều mà một trợ lý giỏi phải làm. Nhưng tất nhiên, trong đầu bạn vẫn tua lại những khoảnh khắc ấy.”

“Sau trận đấu, tôi có gặp Steven Gerrard. Anh ấy đến bắt tay tôi và chân thành nói: ‘Xin lỗi vì ông thua rồi. Đó là một khoảnh khắc rất đẹp.”

Padrew chiến thắng trong trận đấu cuối cùng của Gerard trước khi giải nghệ
Padrew chiến thắng trong trận đấu cuối cùng của Gerard trước khi giải nghệ.

“Kỳ lạ là đến năm 2015, huấn luyện viên cuối cùng chia tay anh ấy ở Liverpool lại chính là tôi. Trận cuối cùng của anh ấy tại Anfield, Crystal Palace thắng 3-1. Vậy là tôi đã phần nào phá hỏng bữa tiệc chia tay của anh ấy, sau khi anh ấy từng phá hỏng bữa tiệc của tôi! Khi gặp nhau sau trận đó, tôi còn nói: ‘Tôi thà thắng trận chung kết FA Cup còn hơn!’”

Vũ Điệu “Dad-dance” Và Nỗi Đau Mang Tên Rooney, Chung Kết 2016

Chung kết năm 2016: Crystal Palace 1-2 Manchester United

“Đó là một trận đấu rất kỳ lạ. Palace đã dẫn trước 1-0 ở phút 78, nhưng cuối cùng lại thua 1-2 sau hiệp phụ, một trận chung kết mà dù sao cũng không thể cứu vãn việc Louis van Gaal bị sa thải. Nhưng người ta nhớ nhất là khoảnh khắc tôi nhảy múa."

“Tôi đã nhảy ăn mừng sau bàn thắng và ai cũng nhớ điệu nhảy ‘slow-motion’ ấy” Pardew cười. “Nhưng thật ra nó hoàn toàn tự phát. Trước đó tôi hay đùa giỡn với con gái nhỏ, hai cha con hay nhảy với nhau, và nó đã dạy tôi vài động tác. Chắc chúng cứ ở trong đầu tôi. Điều khiến tôi hơi buồn là, có người nói tôi đã chuẩn bị trước điệu nhảy ấy, như kiểu khoe mẽ vậy. Nghe thế thì hơi chạnh lòng, vì nó không phải vậy. Đó chỉ là khoảnh khắc bùng nổ tự nhiên thôi.”

Điệu nhảy ăn mừng của Padrew từng gây sốt
Điệu nhảy ăn mừng của Padrew từng gây sốt.

“Cũng có lúc tôi hơi ngại về điệu nhảy đó, nhưng đó chính là con người tôi. Tôi chắc họ sẽ phát lại nó suốt nếu Palace lại vào chung kết. Hãy nhìn Oliver Glasner ở tứ kết vừa rồi đi, anh ấy đấm không khí, nhảy loạng choạng, vụng về y như tôi lúc ấy. Khi bạn ghi bàn, mọi thứ cứ tự tuôn ra.”

Trớ trêu thay, bàn thắng ấy do Jason Puncheon ghi, người chỉ vào sân từ ghế dự bị. “Tôi đã loại cậu ấy,  đó là quyết định cực kỳ khó khăn” Pardew nói. “Chúng tôi để Mile Jedinak đá thay Punch vì biết Manchester United sẽ chơi với Fellaini, mối đe dọa lớn trong các tình huống cố định. Chúng tôi không muốn bị bắt bài ở những pha bóng bổng.”

“Punch là cánh tay phải của tôi, người rất quan trọng với phòng thay đồ. Việc loại cậu ấy thật sự rất khó xử. Tôi và BHL đã ngồi lại để bàn cách nói với cậu ấy ra sao, nhưng không có cách nào nhẹ nhàng cả. Tôi biết nó sẽ ảnh hưởng đến tình cảm, vì Punch được các cầu thủ Palace yêu quý. Nhưng lý do của tôi là đúng đắn và hoàn toàn dựa vào chiến thuật: tôi nghĩ trận đấu sẽ căng và bóng chết sẽ quyết định.”

Đúng là Palace đã mở tỷ số từ một quả phạt góc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ ít phút sau, Rooney xuyên thủng qua hàng tiền vệ, chuyền bóng cho Mata gỡ hòa, rồi trong hiệp phụ, Jesse Lingard ghi bàn quyết định dù United lúc đó chỉ còn 10 người (Chris Smalling đã bị thẻ đỏ).

Pardew vẫn chưa thể quên cái cách Rooney đã nhấn chìm hy vọng: “Trước trận, tôi đã nghĩ: ‘Mình từng đối đầu một Man United rất mạnh với Mark Hughes, từng gặp Liverpool với Gerrard, giờ lại Man United nữa với Rooney. Sẽ tuyệt biết bao nếu Palace là đội cửa trên một lần!’

Lần này đến lượt Rooney nhấn chìm hy vọng của Padrew
Lần này đến lượt Rooney nhấn chìm hy vọng của Padrew.

“Nhưng rồi Rooney lại đánh bại chúng tôi như cái cách Hughes từng đánh bại chúng tôi, Gerrard đã đánh bại chúng tôi. Và lần này là Rooney. Anh ta chạy xuyên qua cả tuyến giữa, chuyền sang cột xa, và chúng tôi không kịp chặn lại. Mata ghi bàn nhưng mọi thứ là nhờ Rooney. Tôi vẫn còn thấy rõ tình huống đó, lúc ấy tôi chỉ nghĩ: ‘Kéo anh ta xuống đi!’ Nhưng anh ta cứ thế chạy một mạch.”

“Khi họ chỉ còn 10 người trong hiệp phụ, tôi vẫn tin Palace có thể thắng. Nhưng chúng tôi đã không xử lý tốt thời điểm quan trọng nhất. Thật kỳ lạ, màn trình diễn hôm ấy của Palace lại không được xem trọng như năm 1990, điều đó hơi bất công với các cầu thủ, chứ không phải với tôi. Tôi không hiểu sao mọi người lại nhìn nhận khác như vậy. Ừ thì, có thể nói Palace khi ấy chưa đủ tốt để thắng, còn Man United thì làm rất tốt, nhưng đội hình đó của chúng tôi vẫn xứng đáng nhận được sự tôn trọng hơn.”

“Đội 1990 thực sự rất đặc biệt. Chúng tôi khi đó có tốc độ và sức mạnh khủng khiếp, Bright, Wright, tôi, Gray, Thomas, Thorn, John Salako… toàn những cầu thủ tốc độ, thể lực tốt, lại có 3-4 tuyển thủ quốc tế” Pardew nói tiếp. “Họ hay hơn đội tôi dẫn dắt năm 2016, nhưng tôi không chắc họ sẽ hay hơn đội hình hiện tại dưới tay Glasner. Đội hình bây giờ rất tốt, có chiều sâu, điều mà Palace trước đây chưa từng có.”

“Tôi nhìn vào Palace bây giờ, so với năm 1990 hay 2016, và tôi tin họ có thể thắng. Họ có cơ hội lớn với đội hình đồng đều, đá sơ đồ [3-4-2-1] rất ổn định, Marc Guehi chắc là trung vệ hay nhất Premier League lúc này. Tôi thực sự tin tưởng họ và tôi sẽ rất, rất hạnh phúc nếu Palace giành được chiếc cúp này.”

Padrew có thể mỉm cười khi đội bóng cũ đã giành chức vô địch FA Cup ở mùa giải vừa qua
Padrew có thể mỉm cười khi đội bóng cũ đã giành chức vô địch FA Cup ở mùa giải vừa qua.

Sau đó, Crystal Palace đã lên ngôi vô địch tại FA Cup, Pardew có thể mỉm cười thỏa mãn. Cuối cùng, sau bao nhiêu năm chờ đợi, sau những nỗi đau và tiếc nuối, bóng ma của những trận chung kết năm xưa đã được xua tan. Chiếc cúp FA đã về với Selhurst Park, và với "Super Al", đó là một sự giải thoát, một sự khẳng định rằng niềm tin và kinh nghiệm của một cựu binh cuối cùng cũng đã tìm thấy hạnh phúc.

Nếu Alan Pardew, từ một cầu thủ nghiệp dư trở thành huấn luyện viên, đã nếm trải đủ vinh quang và cay đắng cùng Crystal Palace ở FA Cup, thì Saudi Pro League: "Giải đấu vàng" và bí mật đằng sau những bản hợp đồng "khủng" làm rung chuyển thế giới bóng đá lại hé lộ cách một giải đấu đang thay đổi cục diện làng túc cầu bằng sức mạnh tài chính và tầm nhìn chiến lược táo bạo.

Piero | 19:11 01/07/2025
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục