Đồng tiền của Mancini
Những Aguero, Tevez, Nasri, Silva, Toure ở Anh làm mưa làm gió là thế, nhưng khi đụng phải một đội bóng mà các cá nhân đều không thua đẳng cấp như Real, điểm yếu muôn thuở thường bị che lấp lại hiện ra. Những pha bóng đẹp mắt, hào hoa đâu còn, những tình huống solo không hề xuất hiện bởi người ta không yếu, không chậm hoặc kém khôn ngoan hơn anh, và những cú sút xa kiểu “lóe sáng” cũng biến mất nốt. Ngay các đội bóng hạng trung phòng ngự khoa học còn khiến Man City bế tắc, thì chẳng lạ gì khi một Real già dơ, bản lĩnh dễ dàng phong tỏa các mũi tấn công vốn chỉ kết nối tốt với nhau khi “đường thông hè thoáng” của The Citizen.
Trong khi phía trên, Aguero tỏ ra kém thế trước những Pepe, Ramos, “thần tài” Dzeko thì lặn mất tăm kể cả khi chỉ phải “làm bạn” với Varane, Tevez sau đó cũng tỏ ra “vô hại”, thì các tuyến còn lại cũng chẳng khá hơn là bao. Silva, Nasri và Yaya Toure không thể “chọi” lại Modric, Alonso, Khedira về sự gắn kết và tính chuyên môn hóa. Hàng phòng ngự cũng chẳng kém phần rời rạc khi liên tục bị Ronaldo khuấy tung mỗi khi có bóng. Tất cả là sự đơn độc, lúng túng của những đôi chân triệu phú khi đứng trong một trận cầu mà đồng tiền không còn “dọa” được đối phương.
![]() |
Cùng giàu có, nhưng Man City vẫn phải chạy sau Real khá nhiều. Ảnh: Internet. |
Đổ lỗi cho Real mạnh hơn cũng chẳng sai, nhưng chắc không thể đổ lỗi cho Ajax và Dortmund cùng lý do tương tự. Hùng hục trong ít phút đầu rồi bị đội bóng Đức ép đến nghẹt thở ở Etihad, lãnh ba trái khi chạm trán đại diện của Hà Lan, sung sướng dẫn hai lần rồi lớ ngớ bị thua ngược trước Real Madrid, hình bóng một “ông kẹ” ở châu Âu vẫn còn xa vời quá, còn chuyện vô địch Champions League càng chỉ là một ảo tưởng chưa nên nhắc tới. Dù cứ “sợ” bảng tử thần mãi, Man City vẫn sẽ còn phải gặp nó nhiều lần bởi với thành tích kém cỏi, năm sau họ sẽ lại bị xếp vào “nhóm 3” khi chia bảng mà thôi.
Không bình luận về bản lĩnh của từng cầu thủ, có lẽ vấn đề nằm ở cách 11 bản lĩnh ấy kết hợp với nhau, thứ cần một người bản lĩnh hơn Mancini để thực hiện. Đã rất đủ ngôi sao để thành công, quá đủ tiền để thấy mình phung phí, chẳng có lý do gì chờ đợi có đội hình mạnh nhất thế giới thì mới vượt qua vòng bảng. Vị trí thứ bét là mặt trái của chính sách đồng tiền vồ vập hòng tạo dựng một đội bóng lớn, nhất là khi một huấn luyện viên chưa đủ “lớn” lại là người lĩnh ấn tiên phong. Sẽ là rất lạ nếu Mancini không sớm chịu chung số phận với Di Matteo của Chelsea, người thậm chí mới mùa trước còn đem về ngôi vô địch.
Đồng tiền của Mourinho
Dĩ nhiên, Real cũng đã có những choáng ngợp bởi sức mạnh đến từ Premier League. Quá quen với việc hết mình khi đá với Barca và buông lỏng cơ bắp khi gặp những đội còn lại ở La Liga không cùng đẳng cấp, Mourinho và các học trò đã khá khó khăn khi “va phải” phải Man xanh. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, sự lọc lõi của Real được thể hiện từ huấn luyện viên cho tới các cầu thủ khi hai đội tái đấu. Man City chơi thứ bóng đá không thay đổi gì sau suốt một năm qua, thứ “bóng đá đẹp” làm bằng thủy tinh, còn Mourinho chỉ cần một lượt trận để đọc hết bài đối thủ, qua đó dễ dàng áp đặt sự chủ động ngay trên sân khách.
Mourinho thậm chí vẫn quá sẵn sàng cả khi Arbeloa bị đuổi lẫn lúc Aguero gỡ hòa. Real bảo vệ cầu môn một cách thận trọng, bình tĩnh, cùng lúc với những cú nước rút của Ronaldo, Di Maria không ít lần khiến nhóm cầu thủ Man City còn trụ lại sân nhà phải lao đao, chới với. Nhìn cách đá của hai đội, cứ như chủ nhà là Real vậy, họ tỏ ra vững vàng hơn, nguy hiểm hơn, hoàn toàn kiểm soát những gì mình làm, như thể thông thuộc mặt sân Etihad hơn cả những người mặc áo xanh nhạt.
Đều là những cầu thủ đắt giá, nhưng Mourinho sử dụng những “đồng tiền” của mình hết sức hợp lý, xác đáng, ra ngô ra khoai. Không Ozil, không Marcelo, không Higuain, những cầu thủ khác được chọn đều chứng tỏ tại sao huấn luyện viên có mình trong kế hoạch. Khedira vẫn đang đá rất hay như một “phát hiện mới”, Modric xuất hiện quá kịp thời khi Mou cần, Essien vẫn vô cùng hữu dụng, rồi cả các cầu thủ như Varane, Callejon, Albiol cũng không phải “người thừa”. Nhờ Mourinho, Pepe, Coentrao tiến bộ vượt bậc, Di Maria phát huy hết khả năng khi chơi đúng sở trường, và Ronaldo được tạo điều kiện tối đa để tỏa sáng. Những tính toán mang tính tổng thể, những chiến lược lâu dài, ít người làm tốt hơn Mou.
Có lẽ sẽ chẳng ông chủ nào tiếc khi đổ tiền cho chiến lược gia người Bồ. Mọi khoản đầu tư chỉ đi đến thành công bởi những gì người ta làm với nó, chứ không phải vì người ta chịu bỏ ra nó. Vung tiền mà không có nền tảng, mua sắm mà không có kế hoạch, có tài sản mà không biết cách điều khiển, xoay sở với nó, thì sẽ vẫn chỉ là “trọc phú”, hơn là một “đại gia” thực thụ. Đồng tiền có hai mặt, và trong bóng đá, chắc rằng mọi nhà đầu tư đều muốn nhìn thấy mặt sáng của nó ngửa lên. Chỉ có điều đừng kỳ vọng quá vào cách làm chơi vơi, tung hứng, chờ đợi phép màu đền đáp sự tiêu hoang.