Để đầu tư cho con, bà Ánh, mẹ của tay vợt nữ số 1 Việt Nam, đã phải bán cả gia sản của mình. Mong cho con được thi đấu chuyên nghiệp, bà Ánh từ chối biết bao lời mời học bổng với cô con gái học giỏi nhưng trót thích tennis. Thế nhưng, đau xót thay, khi mà Đài Trang bắt đầu hái trái ngọt, với những thành tích liên tiếp trên sân chơi trong nước và quốc tế, lại là lúc bà Ánh không thể cố hơn được nữa. Hai mẹ con bà Ánh đang đứng trước một ngã rẽ dẫn đến một bi kịch, đó là “đứt gánh giữa đường”, từ bỏ quần vợt.
Thực tế, đó không phải là một sự đánh đổi quá mạo hiểm bởi ngay từ 5 tuổi, khi còn cầm vợt chưa vững, Đài Trang đã được các HLV quần vợt đánh giá: “con bé sẽ trở thành số 1 Việt Nam trong tương lai đấy!”. Cái tương lai đó, đã trở thành sự thật khi Đài Trang mới 18 tuổi nhưng đã sở hữu hàng loạt những thành tích đáng khen ngợi, trong đó đáng chú ý vô địch U14 châu Á, vô địch giải các tay vợt xuất sắc 2009, VĐQG 2010, hiện đang là tay vợt nữ duy nhất của Việt Nam có tên trên BXH quần vợt nữ nhà nghề thế giới (WTA). Những nhà chuyên môn đều nhận định, sức của Trang còn hơn nữa và cô chắc chắn sẽ tiến xa.
![]() |
Tay vợt số 1 Việt Nam Đài Trang đang đứng trước lựa chọn khó khăn. |
Oái oăm thay, những gì mà gia đình Đài Trang đầu tư cho cô suốt hơn 10 năm qua, giờ đã cạn. Môn quần vợt vốn được xem là môn dành cho quý tộc. Còn nếu theo đỉnh cao, sẽ là cả một sự đầu tư tốn kém. Rất ít môn nào lại nghiệt ngã như thế, chỉ cần ngừng đầu tư, là tất cả lại bắt đầu từ vạch xuất phát. Chạy đôn chạy đáo, vay mượn họ hàng, bạn bè, người thân, bà Ánh mỗi năm nếu không “gom” đủ 2 tỷ, coi như Đài Trang chỉ có tập huấn, thi đấu trong nước.
Một số tiền đầu tư khổng lồ, bà Ánh xác định mình gia đình lo sẽ không kham nổi. Thế nhưng, những cuộc chia tay vội vàng của Bình Dương, TP.HCM, Đà Nẵng liên tiếp trong vài năm qua, cho thấy ngay cả “gõ cửa” những địa phương có nền kinh tế phát triển, cũng chẳng ăn thua. Trong khi đó, vài trò của Liên đoàn Quần vợt là quá mờ nhạt, khi không sao tìm nổi một nhà tài trợ cho tay vợt nữ số 1 Việt Nam.
Bà Ánh kể rằng, bà và Trang, đi máy bay còn nhiều hơn xe bus, học quần vợt đắt hơn cả học ở Đại học Harvard. Mỗi chuyến tập huấn, tính sơ sơ cũng vài trăm triệu. Mỗi năm một nhiều hơn bởi Trang cần được đầu tư để bứt tốp trên BXH. Bỏ mọi thứ để theo con quanh năm suốt tháng, lo từ chuyện nhỏ nhất như ăn uống, ngủ nghỉ, đến chuyện lớn như kinh phí, tìm thầy, tìm giải đấu…bà Ánh nếu không có tâm huyết, nếu không vì thương con, có lẽ đã từ bỏ lâu rồi.
Rồi thì sự cố gắng cũng có giới hạn, tương lai của hai mẹ con bà Ánh đang rất mịt mờ phía trước, khi khó mà theo được nếu không có tài trợ giống như các VĐV đỉnh cao các nước. Cho đến lúc này, bà Ánh không tìm được lối thoát nào và bà đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Sau những gì đã làm được và còn rất nhiều thứ chưa thể làm được phía trước, cứ nghĩ tới việc sắp “đứt gánh giữa đường”, khiến bà Ánh không thể cầm nổi nước mắt. Bà khóc như một đứa trẻ, khóc như không thể dừng lại. Cái môn quần vợt quá khắc nghiệt đã đành, nhưng để tạo nên một tay vợt có đẳng cấp nhất định như hôm nay để rồi bỏ tất cả, là cả một sự thật phũ phàng.
Bao năm qua, bà Ánh cứ tin vào một tương lai tươi sáng: khi nổi tiếng rồi, sẽ nhận được sự quan tâm của các địa phương, của ngành thể thao hay chí ít là các nhà tài trợ. Thực tế, cũng có một vài đơn vị đã giúp đỡ, nhưng cũng chỉ đủ tiền… tiêu vặt.
Bỏ thì tiếc mà không bỏ thì chỉ còn nước “bán hết, bán tất”, mà cũng có lúc chẳng còn gì để bán nữa chứ! Những giọt nước mắt của bà Ánh chẳng khác nào cám cảnh cho mình, khóc vì bất lực, khóc vì sự thờ ơ của những người ngày ngày hô vang khẩu hiệu quyết tâm đưa thể thao lên chuyên nghiệp…