Tại căn hộ 2 phòng ở thành phố Volgograd, Nga, Nikolay Davydenko trở thành một “tay nghiện” quần vợt. Đó không phải là quá trình biến đổi một sớm một chiều. Quần vợt, bằng một cách nào đó, đã trở thành một lối thoát cho cậu bé Nikolay trong những năm tháng trước khi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Năm 1992, cậu bé Nikolay 11 tuổi dồn toàn tâm toàn ý vào tennis. Cậu dành nhiều giờ liền luyện tập trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường. Vào mùa đông, cậu tập đánh bóng trên sàn gỗ của một câu lạc bộ dành cho cảnh sát địa phương, để khi mùa hè đến, những cú groundstoke của cậu trở nên đầy uy lực và cân bằng trên mặt sân cao su. Những ngày chủ nhật được Nikolay tận dụng để rèn luyện thể lực bên ngoài sân quần vợt.
Mặc dù trở thành tay vợt Nga đầu tiên kết thúc mùa thi đấu trong Top 10 suốt 5 năm liên tiếp (2005-2009), Davydenko vẫn vui lòng đứng sau những cái bóng lớn khác của làng quần vợt đỉnh cao. Vốn sở hữu bản tính trầm lặng và khiêm nhường, 15 mùa thi đấu chuyên nghiệp của anh được đánh dấu bằng sự chuyên tâm và ý chí kiên định. Chính những đức tính này đã mang về cho anh biệt danh “Người sắt”. “Chúng ta có thể nhìn thấy quyết tâm và khát vọng được trở thành một trong những tay vợt xuất sắc nhất nơi anh ấy",Yevgeny chạm trán Davydenko – chia sẻ. “Anh ấy không có những cú phát bóng như trái phá, nhưng anh ấy làm việc cực kỳ chăm chỉ”.
![]() |
Davydenko không bao giờ quên mình đã may mắn như thế nào. Năm 14 tuổi, anh được Eckhard Oehms – một doanh nhân sau này trở thành người đại diện của anh – phát hiện trong một chuyến đi xuyên nước Nga và được ông đề nghị chuyển đến Salmtal, Đức, nơi có vô số sân quần vợt. Đó là một dịp may đã thay đổi cuộc đời Davydenko. Nhưng anh không tự thỏa mãn và dừng lại tại đó. “Anh ấy chơi như một con robot, như một bức tường thành”, người đồng hương Teymuraz Gabashvili của anh nhận xét. “Anh ấy luyện tập rất chăm chỉ, như một cái máy. Anh ấy chơi bóng từ bên trong đường biên và không bao giờ chịu thoái lui. Khi ở trong trạng thái tốt nhất, bạn càng đánh bóng mạnh về phía anh ấy thì trái bóng càng quay lai nhanh hơn. Cú backhand của anh ấy thật không thể tin nổi. Tốc độ và khả năng phán đoán bóng cũng là hai trong số những vũ khí chết người của Davydenko”.
Quả thật, dường như Davydenko không hề biết mệt mỏi là gì. Anh thường tham gia nhiều trận đấu trong mỗi mùa thi đấu hơn bất kỳ tay vợt nào khác, và trong khoảng thời gian giữa năm 2008 và 2010, anh nắm giữ 22 chiến thắng trước các đối thủ trong Top 10. Davydenko đoạt chức vô địch Miami Open năm 2008, một trong ba danh hiệu Masters 1000 trong sự nghiệp của anh, với duy nhất một cây vợt. Anh căng lại dây chiếc vợt đó sau mỗi trận thắng, bao gồm cả những chiến thắng trước Andy Roddick và Rafael Nadal. “Một khi đã lọt và Top 10, anh ấy tự tin rằng mình có đủ đẳng cấp của một tay vợt Top 10”, Kafelnikov – tay vợt Nga đầu tiên lên ngôi số 1 thế giới vào tháng 5 năm 1999 – nhận xét. “Người ta phải cố tránh tên anh ấy trong những buổi bốc thăm”. Anh cũng đã hợp sức cùng đội tuyển Nga tại Davis Cup 2006.
Một trong những màn trình diễn mãn nhãn nhất của Davydenko xảy ra vào cuối mùa giải 2009, đầu mùa giải 2010, đem lại cho anh ánh hào quan mà anh từng cố gắng để né tránh. “Khi ở phong độ đỉnh cao, anh ấy là một tay vợt xuất sắc đến đáng kinh ngạc”, Verdasco hồi tưởng. “Anh ấy không cho bạn thời gian để suy nghĩ, anh ấy rất nhanh và luôn làm hết sức mình. Thật khó để đối đầu với anh ấy”. Jarkko Nieminen, tay vợt cùng tuổi với Davydenko, nói thêm: “Cách di chuyển, lối đánh cuối sân và những cú trả bóng là thế mạnh của anh ấy. Anh ấy chẳng cho không bạn cái gì cả. Anh ấy có khả năng đoán bắt hướng bóng từ rất sớm, chơi bóng với nhịp độ tuyệt vời. Bạn phải chạy và phòng thủ liên tục trước anh ấy”.
Bằng cách cải thiện kỹ thuật giao bóng và mài giũa cú volley để hỗ trợ khả năng di chuyển mượt mà giữa đường biên cuối sân và khu vực lưới, Davydenko trở thành một nhân vật đầy sức hút tại mùa giải Asian Swing năm 2009. Sau khi đoạt chức Á quân tại Shanghai Masters, anh bay đến London để dự giải vô địch cuối năm Barclays ATP World Tour Finals tại sân vận động O2 đầu tiên trong sự nghiệp trong một tâm thế hoàn toàn tự tin. Rơi vào “bảng từ thần” với Novak Djokovic tay vợt Nga đánh bại Nadal và Robin Soderling trước khi hạ Roger Federer ở bán kết và đương kim vô địch US Open lúc bấy giờ là Juan Martin del Potro với tỉ số 6-3, 6-4 trong trận chung kết. Anh “bỏ túi” tấm séc giá trị nhất trong sự nghiệp của mình với 1.51 triệu USD.
Đánh bật Federer và Nadal một lần nữa tại Qatar ExxonMobil Open trong tuần đầu tiên của mùa giải 2010, tay vợt người Nga bước chân đến đấu trường Melbourne với tư cách một ứng viên sừng sỏ cho ngôi vị vô địch. Bằng kinh nghiệm có mặt tại 4 trận bán kết Grand Slam – Roland Garros 2005, 2007 và US Open 2006, 2007 – anh thi đấu đầy tự tin. Trong 40 phút đầu tiên của trận tứ kết gặp Federer, Davydenko dẫn 6-2, 3-0. Nhưng đến game thứ năm của set 2, Federer tìm lại được uy lực trong những cú phát bóng của mình. Và cuối cùng tay vợt Thụy Sỹ đã thắng trận với tỉ số 2-6, 6—3, 6-0, 7-5 sau 3 giờ 36 phút thi đấu.
![]() |
Thật không may, tại giải đấu kế tiếp (ABN AMRO World Tennis Tourament) ở Rotterdam, Davydenko gặp chấn thương cổ tay sau trận bán kết thua trắng trước Robin Soderling. Mặc dù đoạt danh hiệu ATP thứ 21 – cũng là danh hiệu cuối cùng của anh – tại Murich vào tháng 5/2011, những ngày tháng đạt phong độ đỉnh cao của anh chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Gần đến cuối mùa giải 2010, Davydenko rớt khỏi Top 10, đẳng cấp mà anh đã trụ vững suốt 5 năm rưỡi. Stan Wawrinka thừa nhận: "Tôi luôn ngưỡng mộ lối chơi của anh ấy. Tôi cảm thấy anh ấy thật nhanh nhẹn và là một đấu sĩ dũng mãnh. Anh ấy rất chú trọng tốc độ trong thi đấu. Anh ấy là một trong những tay vợt nhanh nhất mà tôi từng đối mặt”. Trong khi đó, Dmitry Tursunov cho biết: “Anh ấy là một đấu thủ cừ khôi, rất giỏi trong việc phân tích và hoàn thiện lối chơi của mình. Theo tôi, anh ấy đã tối ưu hóa những ưu điểm mình sở hữu hơn bất kỳ tay vợt nào trong Top 5. Anh ấy làm việc rất có phương pháp, bước ra sân và hoàn thành mọi sự thật chính xác và hiệu quả. Anh luôn thoải mái được là chính mình”.
Davydenko luôn theo đuổi một cuộc sống giản đơn, bên người vợ Irina, cô con gái 2 tuổi Ekaterina và người anh kiêm huấn luyện viên lớn hơn anh 10 tuổi, Davydenko có thể chơi quần vợt và tận hưởng cuộc sống của mình, tránh xa khỏi những thị phi và sự nổi tiếng đem lại. “Anh ấy là con người rất vui tính và dễ gần,” Tursunov nói. “Anh ấy không cần quá nhiều thứ để cảm thấy hạnh phúc”.
Vào ngày tuyên bố giải nghệ, sau bữa tiệc chia tay tổ chức bởi Kremlin Cup – Ngân hàng Moscow – giải đấu anh đã 3 lần lên ngôi vô địch – Davydenko có thể tận hưởng những ngày tháng bên ngoài sân quần vợt, tin chắc rằng mình sẽ luôn được khắc tên trong lịch sử quần vợt của đất nước mình. “Đây là một tổn thất cho quần vợt nước Nga”, Gabashvili nói. “Davydenko là một trong những tay vợt xuất sắc nhất thế giới. Và người dân nước Nga yêu mến anh ấy”.
Nguồn tin: Tennis Lifestyle