Xây nhà từ nóc tức là không có cái gốc hoặc có cái gốc nhưng cái gốc không mang tính quyết định. Cái gốc sẽ phải thay đổi cho phù hợp với phần ngọn.
Bóng đá Việt Nam đã xây nhà từ nóc thế nào? Rất đơn giản, chúng ta không đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ. Ở cấp CLB thì không đầu tư sân bãi, không thuê HLV thể lực... mọi thứ đều làm tạm bợ. Vì thế có thể nói là chúng ta có một cái gốc, nhưng cái gốc của chúng ta rất tạm bợ và không hề có tí bản sắc gì. Khi chúng ta thuê HLV về, vì chúng ta không có bản sắc riêng, không biết mình là ai, nên cứ mỗi đời HLV, chúng ta lại chơi bóng theo một cách khác nhau. Khi HLV ấy ra đi thì chúng ta chả còn gì cả.
![]() |
ĐT U23 Việt Nam đang có những thay đổi tích cực dưới thời HLV Miura. Ảnh: Internet |
Có nhiều người đang mong Miura giúp đội tuyển U23 Việt Nam giành vàng ở Sea Games năm nay. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau khi giành được huy chương vàng Sea Games rồi thì chúng ta làm gì tiếp? Miura có ở lại với chúng ta mãi? Khi ông ấy đi, chúng ta là ai? Hay là cũng chỉ như AFF Cup 2008, được 1 lần lên ngôi trong lúc bóng đá Thái đang gặp nhiều trục trặc, để rồi từ đó tắt ngấm?
Có nhiều người nói chúng ta phải biết mình là ai, không nên đòi hỏi quá nhiều trong trận thua Nhật Bản vừa rồi. Vậy thực sự, chúng ta là ai?
Để biết mình là ai thì trước tiên chúng ta phải độc lập. Và để có được độc lập, chúng ta phải xây dựng từ cái gốc như HAGL JMG Arsenal đang làm. Chúng ta phải dựa vào cái gốc ấy để tuyển chọn HLV phù hợp với cái gốc của mình, chứ không phải là uốn cho cái gốc ấy phù hợp với một vị HLV cụ thể. Không thể phụ thuộc vào một HLV nào. Muốn điều chỉnh cái gì, thì phải điều chỉnh từ cái gốc trở lên để khi HLV nào đến, HLV nào đi, chúng ta vẫn là chính chúng ta.
Vậy làm thế nào để tuyển chọn HLV phù hợp với cái gốc? Rất đơn giản: mùa nào trồng đay tốt thì trồng đay, mùa nào trồng khoai tốt thì trồng khoai. Mùa nào hợp với cái gì thì trồng cái ấy. Đừng phủ nhận hoàn toàn cái hay của việc làm mùa vụ. Làm theo mùa vụ mà làm đúng cách thì sẽ cho năng suất rất cao. Tương tự, chúng ta phải dựa chất lượng cầu thủ từng lứa để tìm HLV phù hợp.
Lứa sắp tới của chúng ta là lứa của Công Phượng vì lứa Công Phượng chiếm đa số trong số những cầu thủ giỏi nhất cùng lứa. Vậy thì chúng ta sẽ phải chọn HLV phù hợp với lứa cầu thủ ấy (có thể là Graechen). Sau lứa Công Phượng, HAGL JMG không có lứa kế cận, vì thế nếu lứa Công Phượng quá tuổi đi đá Sea Games thì sẽ phải chọn lứa cầu thủ khác làm nòng cốt, có thể là Đà Nẵng hoặc SLNA, lúc này, phải tìm HLV khác phù hợp hơn.
Cho tới khi các cầu thủ tập hợp dưới một mái nhà chung là cấp cao nhất, cấp đội tuyển quốc gia, lúc ấy phải tùy vào quân số của đội tuyển khi ấy, tình hình đội tuyển hợp với lối chơi nào, đối thủ của chúng ta đang ở mức độ nào để chọn HLV cụ thể.
Vấn đề của bóng đá VN không phải là giữ chân HLV vì chưa có HLV nào tới VN mà tài giỏi tới mức đạt đẳng cấp thế giới, không thể thay thế được. Thay vào đó, hãy tập trung vào câu hỏi chính.
Cái gốc của chúng ta ở đâu? Chúng ta là ai? Chính chúng ta phải tự biết, tự trả lời chứ không thể đợi Miura hay bất kì ai khác nói cho chúng ta biết. Nhiều người nói cả nền bóng đá không thể chỉ dựa vào học viện HAGL JMG. Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng cái ý tưởng cả nền bóng đá dựa vào một HLV Miura còn buồn cười hơn nhiều.
(Bạn đọc: Hoàng Đình Long)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam