Khi những cỗ xe tăng có trái tim

10:45 Thứ năm 21/11/2013

(TinTheThao.com.vn) - Đã từ lâu tuyển Đức nổi tiếng với biệt danh “những chiếc tăng Đức”, họ lầm lì, lạnh lùng, chính xác và không bao giờ bỏ cuộc hay nao núng khi bị dẫn trước. Tuy nhiên, những cải cách dưới thời Jurgan Klinsmann và sau đó được kế thừa và phát triển với Joachim Loew đã biến Manschaft thành một đội bóng mới hoàn toàn, nhiết huyết hơn, cháy bỏng, cảm xúc hơn tuy nhiên cũng yếu đuối hơn. Đó là khi những chiếc xe tăng đã có trái tim.

Tuyển Đức thời xưa

Nếu như ở thế kỉ 20 Argentina và Brazil là hai đại diện của Nam Mỹ cho lối đá kĩ thuật, ngẫu hứng thì tuyển Đức xứng đáng là đối cực của họ. Không màu mè như những vũ công tango hay samba, những cầu thủ tới từ châu Âu luôn biết cách làm đối thủ phải ôm hận với những tình huống tưởng chừng như giản đơn những lại đầy tính chính xác và hiệu quả. Trong phòng thủ, họ ưa chuộng những mẫu cầu thủ phòng ngự cao to và giàu thể lực nhằm khai thác điểm yếu của những tiền đạo tới từ Nam Mỹ. Đỉnh cao cho phong cách của Đức thế kỉ 20 là trận chung kết World Cup năm 1986 với Argentina. Với đẳng cấp vượt trội cùng tượng đài Maradona trong đội hình, La Albiceleste sớm vượt lên dẫn trước 2-0 với những bàn thắng của Brown và Valdano; tuy nhiên, bỏ cuộc là một điều mà tuyển Đức trước kia không hề nghĩ tới. Họ chiến đấu tới cùng và gỡ hòa bằng hai bàn thắng của Rummenigge và Voller. Nhưng cũng phải nói rằng, đẳng cấp của Đức năm đó không thể bằng Argentina và quan trọng hơn, Albiceleste có trong tay Maradona, người làm điên đảo những cầu thủ phòng ngự chậm chạp và thiếu kĩ thuật của Đức và là người chuyền bóng cho Burruchaga dứt điểm ấn định tỉ số 3-2. Dù thua cuộc, không ai trách Đức, họ đã làm tất cả.

Khi những cỗ xe tăng có trái tim

Trận chung kết năm 1990 giữa Tây Đức và Argentina là một trong những trận chung kết “xấu xí” và thiếu hấp dẫn nhất. Bởi đây không còn là cuộc đối đầu giữa hai trường phái bóng đá đối lập, Argentina khi đó không còn hoa mĩ như trước, họ chơi thực dụng và không ngại phạm lỗi giống hệt Đức. Đây là trận chung kết đầu tiên có cầu thủ bị đuổi khỏi sân, đó là Pedro Monzon và Roberto Sensini bên phía Argentina. Albiceleste cũng là đội đầu tiên không thể ghi bàn tại chung kết World Cup. Trận đấu được định đoạt sau khi Brehme thực hiện thành công quả penalty tranh cãi.

Đến World Cup 2002, lối chơi của Đức vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn một thủ thành Oliver Kahn chắc chắn, một tiền vệ cầm trịch Michael Ballack không bao giờ biết múa mày và một tiền đạo Miroslav Klose đơn giản nhưng hiệu quả. Cuộc cách mạng chỉ thực sự diễn ra khi Klinsmann lên làm HLV.

Cuộc cách mạng của Mannschaft

Tuyển Đức năm 2006 vẫn có những nét cũ: chính xác và đơn giản. Tuy nhiên họ đã thay đổi lối chơi theo hướng tấn công nhiều hơn. Trận đấu với Argentina Đức, đã gỡ hòa bằng bàn thắng của Klose phút thứ 80, tuy nhiên cũng cần nói rằng đây không hẳn là “tinh thần Đức” như người ta thường nói, HLV Pekerman đã quyết định sai lầm khi cho Argentina chơi phòng ngự để bảo toàn tỉ số. Đến đây, một tuyển Đức mới đã manh nha thành hình và sự chuyển biến mạnh mẽ tới dưới thời Loew, phương châm của ông là “trẻ, trẻ nữa, trẻ mãi”.

Đúng vậy, World Cup 2010 dù vẫn có trong tay những cựu binh như Klose, tuyển Đức chỉ có độ tuổi trung bình 24 với rất nhiều những ngôi sao mai Oezil hay Muller. Và kết quả là, một lối chơi đầy cống hiến đã thành hình. Họ vùi dập Argentina, Anh để tiến vào bán kết. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, những trận họ thằng đều là khi họ có bàn dẫn trước, còn ở chiều ngược lại, người ta rất ít thấy Đức lội ngược dòng trong thời nay và “trẻ, trẻ nữa, trẻ mãi” là một nguyên nhân.

Đúng như người ta nói “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già”. Gặp những lúc khó khăn, tuyển Đức chỉ là chiếc xa tăng bằng giấy. Ngay trong trận đầu tiên gặp Serbia WC 2010, họ vấp phải một hàng phòng ngự chặt chẽ và trong lúc mải mê tấn công, Đức đã phải nhận đòn hôi mã thương từ phía Serbia. Kịch tính tới khi Đức được hưởng quả penalty ở hiệp hai, tuy nhiên Podolski lại không thể chiến thắng thủ thành Serbia, hay nói đúng hơn, anh không thắng nổi tâm lí yếu kém của mình. Và tại bán kết, trước một Tây Ban Nha quá bản lĩnh, Đức chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Kịch bản tương tự lại diễn ra ở Euro 2012, khi họ lần lượt dễ dàng vượt qua những Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp để tái ngộ Italy. Italy đúng là “khắc tinh” của Đức, mặc dù không được đánh giá cao như đối thủ, họ dường như điều khiển hoàn toàn thế trận và để những “đứa trẻ” của Đức như Toni Kroos, Oezil hay Muller bế tắc trên sân, chỉ biết thực hiện những quả sút xa nhằm khai thông bế tắc, và cũng là để tìm lại cảm hứng, thứ mà tuổi trẻ phải có để chiến thắng.

Loew đã gieo vào những chiếc xe tăng Đức một trái tim và người ta vẫn tự hỏi trái tim đó có tốt cho họ hay không, và liệu World Cup 2014 có phải là nơi để tuyển Đức hoàn tất giấc mơ hay không, khi họ đã nhiều lần thất bại bởi chính trái tim đó.

Kai | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục