Kiểm soát bóng không phải là tất cả
2 VCK giải vô địch châu Âu gần đây, đội tuyển Tây Ban Nha đăng quang bằng một lối chơi kiểm soát bóng đạt đến mức độ thượng thừa. Với thời lượng giữ bóng rất cao, La Selecion luôn biết cách tìm đường vào khung thành đối phương.
Tuy vậy, tại EURO 2016, kiểm soát bóng không phải là yếu tố quyết định. Cũng vẫn là người Tây Ban Nha nằm trong nhóm những đội giữ bóng nhiều nhất (65,07%), nhưng họ lại phải về nước ngay khi bước sang vòng 1/8.
Đội tuyển Anh có trung bình 62,19% thời gian kiểm soát bóng ở các trận đấu nhưng cũng để cho Iceland tiễn về nước từ vòng 1/8.
Đội tuyển Đức là đội có tỉ lệ giữ bóng cao nhất tại EURO 2016 – 67,2%, thế nhưng, thầy trò HLV Joachim Loew cũng chỉ đặt chân đến bán kết và thất bại trước chủ nhà Pháp – đội có 54,48% thời gian kiểm soát bóng trong cả giải đấu.
Trong khi đó, nhà vô địch Bồ Đào Nha thậm chí còn đứng thứ 12 trên tổng số 24 đội về tỉ lệ giữ bóng – 51,6%.
Ở đây, không khó để nhận thấy, với các đội như Tây Ban Nha, Anh, việc kiểm soát bóng nhiều dễ bị đẩy vào các tình huống phản công khi mà hàng thủ của họ không mạnh hoặc không ổn định. Với người Đức, 2 cánh tay khó hiểu của Jerome Boateng và Bastian Schweinsteiger đã làm hại họ, nhưng trong phần lớn các trận đấu, họ không giải quyết đối thủ một cách dứt khoát cũng bởi thiếu tiền đạo.
Phải có tiền đạo
Đội tuyển Đức vào đến bán kết với chỉ duy nhất tiền đạo Mario Gomez ghi 2 bàn thắng. Nhưng nên nhớ rằng, cầu thủ này chỉ được HLV Low bố trí đá chính ở 3 trận đấu trước khi dính chấn thương và vắng mặt tại bán kết.
Loew kéo Cỗ xe tăng Đức đến EURO 2016 với ý đồ về lối chơi “tiền đạo ảo” đã từng giúp Tây Ban Nha lên đỉnh vinh quang cũng như phần nào với Đức ở World Cup 2014. Mặc dù vậy, đặt niềm tin vào một cầu thủ phải ngồi dự bị ở CLB như Mario Gotze là một thất bại, buộc Low phải sử dụng Gomez.
Không may cho ông là trong thời điểm bộ máy vận hành tốt nhất thì Gomez chấn thương, để niềm tin hướng về Thomas Mueller – cầu thủ đã có cả một chặng đường gây thất vọng vì không ghi nổi một bàn thắng nào.
Đội tuyển Pháp có lẽ sẽ khó hiện diện tại trận chung kết nếu HLV Didier Deschamps không điều chỉnh vị trí của Antoine Griezmann. Về mặt thực tế, cầu thủ này di chuyển khá tự do – thậm chí là lùi rất sâu, nhưng đó chính là phong cách quen thuộc của anh ở CLB Atletico Madrid.
Với vai trò là một tiền đạo tự do thay vì chờ đợi cơ hội ở tuyến trên, Griezmann đã ghi những bàn thắng rất quan trọng, đồng thời giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải và Chiếc giày vàng.
Các đội bóng buộc phải có sự hiện diện của tiền đạo – có thể 1 hoặc 2, khi mà trong bóng đá hiện đại, các hậu vệ ngày càng khôn ngoan và biết chơi bóng hơn. Thế nên, ngoài Grizi, Pháp còn có Olivier Giroud ghi 3 bàn, hay 2 tiền đạo của Bồ Đào Nha là Cristiano Ronaldo, Nani cùng ghi được 3 bàn.
Các chân sút như Alvaro Morata (3 bàn), Romelu Lukaku (2) cũng lên tiếng nhưng Tây Ban Nha và Bỉ của họ quá mong manh. Italia có Graziano Pelle ghi 2 bàn và họ chỉ “chết” trên chấm 11m trước Đức.
Trong chuyến phiêu lưu của Iceland và Xứ Wales, cũng có thể thấy được dấu ấn của 2 chân sút Kolbeinn Sigthorsson và Hal Robson-Kanu (cùng ghi 2 bàn), và khi Eder được HLV Fernando Santos tung vào sân rồi ghi bàn quyết định ở trận chung kết, có thể thấy, việc các HLV đưa ra những quyết định sử dụng tiền đạo cũng có ảnh hưởng rất quan trọng.
Hậu vệ kiến tạo
Kết thúc giải đấu, Eden Hazard là cầu thủ có nhiều đường chuyền thành bàn nhất. Đó đúng là nhiệm vụ của một tiền vệ như anh hay Kevin de Bruyne, Aaron Ramsey, Dimitri Payet, thế nhưng, EURO 2016 để lại rất nhiều dấu ấn về các hậu vệ với những đường chuyền cho đồng đội ghi bàn.
Ở đây, các hậu vệ cánh tham gia tấn công và tạt cánh là điều vốn đã thường thấy nên khi thấy Jordi Alba, Jonas Hector, Mateo Darmian, Raphael Guerreiro, Chris Gunter, Seamus Coleman, Barcary Sagna… có tên trong danh sách kiến tạo.
Điểm nhấn đáng chú ý là các trung vệ, với những đường bóng dài cho các cầu thủ tuyến trên. Leonardo Bonucci nổi tiếng với đường bóng cho Emanuele Giaccherini ghi bàn, nhưng Boateng của Đức mới là người nổi bật nhất về những pha chuyền bóng có khoảng cách trên dưới 50m rất chính xác. Trung vệ người Đức có đến 406 đường chuyền chính xác trong cả giải đấu, chỉ đứng sau Toni Kroos.
Pepe của Bồ Đào Nha và một số trung vệ hàng đầu của các đội tuyển khác có khả năng phát động tấn công cũng có cú phát động tầm xa khá tốt, như một chiến thuật đáng kể ở EURO 2016 mỗi khi các tiền vệ bị khóa đi khoảng không để tung ra những đường chuyền.
Sút phạt kém hiệu quả
Mặc dù có 4 bàn thắng được ghi từ những cú đá phạt – nhiều nhất trong lịch sử các VCK EURO, nhưng đây vẫn là giải đấu mà các chân sút không phát huy được năng lực.
Chỉ có Gareth Bale thực hiện thành công 2 lần, Eric Dier (Anh) và Balazs Dzsudzsak (Hungary) cùng ghi 1 bàn là quá ít khi mà đến với giải đấu còn có các chuyên gia đá phạt khác như Ronaldo, Payet, Mesut Ozil, Hazard, Cesc Fabregas, Zlatan Ibrahimovic, Wayne Rooney…
Đáng chú ý, từ vòng knoc-out trở đi, không có một bàn thắng nào được thực hiện từ đá phạt, dù Bale và Xứ Wales lọt vào tới bán kết. Trong khi đó, Ronaldo vẫn duy trì tỉ lệ sút phạt kém hiệu quả tại các VCK EURO, với hơn 40 lần thực hiện mà không ghi nổi bàn nào.
Không cần chiến thuật là “hư chiêu”?
Có một điều rất bất ngờ là trong khi rất nhiều người lên tiếng chỉ trích lối đá của Bồ Đào Nha về việc thiếu ý tưởng, không biết triển khai bóng tấn công ra sao, hoặc chỉ biết chơi phòng ngự, những thống kê lại chỉ ra rằng, họ lại chỉ đứng thứ 2 sau Đức về số lần chuyền bóng thành công (3.114), đứng thứ 2 sau Pháp về số lần dứt điểm trúng đích (37), đứng thứ tư về số lần đi bóng thành công (74), Ronaldo là cầu thủ dứt điểm nhiều nhất (45) và anh cùng Nani nằm trong tốp đầu về số lần chạm bóng trong vòng cấm.
Phải chăng, cách triển khai bóng chậm của Bồ Đào Nha đã trở thành bức màn che mờ tất cả, dẫn đến những đánh giá sai về thực lực của đội bóng bán đảo Iberia?
Chậm nhưng chắc, đó mới chính là chiến thuật mà Bồ Đào Nha đã làm bất ngờ tất cả chứ không phải những đợt lên bóng ào ạt chỉ mang lại cảm xúc phấn khích cho người xem chứ chưa chắc đã là hiệu quả cho đội nhà.
Trong khi tất cả các ứng viên khác đều đã lộ rõ đội hình chiến thuật, lối chơi qua từng trận đấu khiến cho đối thủ tiếp theo nghiên cứu và tìm cách khắc chế, thì Bồ Đào Nhả quả thực là một “hư chiêu”.
Bởi mọi người cứ nhìn họ phòng ngự mà quên mất rằng, Santos gần như là HLV duy nhất sử dụng 2 tiền đạo từ đầu đến cuối. Ngay cả trong tình cảnh ngặt nghèo nhất ở chung kết, ông vẫn tung Eder thêm vào sân và quyết định mạo hiểm đã có thành quả lớn nhất.