Tràn ngập tài năng
Đại đa số các cầu thủ trong đội hình 23 cầu thủ Đức tham dự giải đấu này là sản phẩm của hệ thống đào tạo trẻ được đẩy mạnh sau thất bại thảm hại của ĐT Đức sau World Cup 1998 và EURO 2000. 5 cầu thủ thường xuyên đá chính của Đức tại EURO năm nay là thành viên của đội U21 Đức vô địch châu Âu năm 2009 gồm: Sami Khedria, Mesut Ozil, Manuel Neuer, Mats Hummels và Jerome Boateng. Đó là chiến thắng nối tiếp của lứa U17 và U19 đã thành công trước đó 1-2 năm.
Một số cầu thủ khác trong đội hình này gồm Thomas Muller, Mario Goetze, Marcel Schmelzer, Lars Bender, Toni Kroos, Holger Badstuber, Benedikt Hoewedes cũng là những cầu thủ đã kinh qua hầu hết các đội tuyển trẻ của Đức trước khi có 1 chỗ đứng ở ĐTQG.
![]() |
Philipp Lahm, cầu thủ thuộc dạng có thâm niên nhất ở tuyển Đức và là đội trưởng năm nay cũng chỉ mới 28 tuổi |
Sự kết hợp đầu tiên của lứa cầu thủ tự đào tạo này tại World Cup 2010 đã đem lại kết quả mỹ mãn. Dù thiếu vắng nhạc trưởng Michael Ballack nhưng Đức đã có màn trình diễn tuyệt vời với vị trí thứ 3 chung cuộc sau khi đã vượt qua 2 đối thủ sừng sỏ là Anh và Argentina ở vòng knock-out.
Thế hệ này cùng với những “cựu binh” đang ở đỉnh cao phong độ như Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Mario Gomez, Lukas Podolski giúp cho tuyển Đức có được một sự kết hợp tuyệt vời hứa hẹn sẽ giúp bóng đá Đức duy trì được thành công tại những giải đấu lớn tiếp theo. Nói như Mesut Ozil: “Chúng tôi đã trưởng thành hơn, thống nhất hơn và chúng tôi đã cho thấy mình có thể đánh bại các đội bóng lớn. Chúng tôi vẫn còn trẻ và rất khát khao”.
Với độ tuổi trung bình chỉ hơn 24 tuổi, Đức là đội bóng có tuổi bình quân trẻ nhất tại EURO 2012 vào đến vòng tứ kết. Điều đó cho thấy, Đức là một đội bóng của tương lai.
Hái quả ngọt từ những học viện bóng đá
Thành công của bóng đá Đức hiện tại là kết quả của một chiến lược đầu tư hiệu quả vào các học viện bóng đá. Từ tháng 7/2002 các CLB ở 2 hạng đấu cao nhất của Đức bắt buộc phải xây dựng học viện bóng đá thanh thiếu niên. Đó là điều kiện để giữ giấy phép hoạt động. Một Ủy ban Học viện bóng đá được thành lập để xây dựng hệ thống đào tạo trẻ này theo mô hình của 2 trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng ở châu Âu là Học viện Ajax (Hà Lan) và Clairefontaine (Pháp).
Kể từ đó hơn nửa tỷ euro đã được rót vào giúp cho bóng đá Đức tràn ngập các tài năng bản địa. Điều này lý giải vì sao số lượng khán giả đến xem các trận đấu tại Bundesliga là cao nhất châu Âu, trung bình 42.000 khán giả/trận ở mùa bóng vừa qua.
Những học viện bóng đá này phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt về về sân bãi, hệ thống chiếu sáng, trang thiết bị cho các cầu thủ, đội ngũ HLV có trình độ, hệ thống y tế, giáo dục, cũng như các “scout” (chuyên gia săn tìm cầu thủ). Bên cạnh đó, họ còn phải có một triết lý xây dựng bóng đá rõ ràng và được đánh giá qua từng năm. Từ sau năm 2002, hàng trăm cầu thủ đã trưởng thành với kết quả là 20% số lượng các cầu thủ tại các CLB là trưởng thành từ hệ thống đào tào.
![]() |
Đội U21 Đức vô địch châu Âu năm 2009 sau khi thắng Anh 4-0 trong trận chung kết đóng góp đến 1 nửa cầu thủ trong đội hình chính của Đức tại EURO năm nay |
Thành công của kế hoạch trên là việc các cầu thủ đội U21 Đức đều xuất phát từ những học viện này. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Joachim Loew có điều kiện để phát triển đội bóng của mình đến tận cùng. Điểm cốt lõi của vấn đề là các cầu thủ của ông đã có gần 1 thập kỷ chơi bóng cùng nhau ở ĐT hoặc CLB hoặc cả hai. Joachim Loew đã khẳng định đội bóng của ông có một sự trưởng thành và phát triển cùng nhau rất tốt. Vấn đề chỉ là bao giờ họ sẽ hái quả ngọt bằng 1 danh hiệu quốc tế lớn mà thôi.