![]() |
Nhưng thoát nghèo, vươn lên để thành ngôi sao ngự trên đỉnh là điều hiếm. Ở Việt Nam, Công Vinh và Công Phượng có nhiều điểm tương đồng từ hoàn cảnh xuất thân, vượt lên trở thành những ngôi sao ở lĩnh vực họ chọn…
Vinh “đến đôi dép phải đi mượn”
Công Vinh bây giờ có cuộc sống sung túc, thậm chí là dùng từ giàu có. Tính cả bản hợp đồng 8 tỉ/3 năm mới kí với Bình Dương (kỷ lục trước mùa giải 2015), Vinh đút túi riêng tiền chuyển nhượng là 30 tỉ. Cầu thủ này đâu chỉ có tiền chuyển nhượng khi anh còn có tiền lương, thưởng cũng kiếm hàng tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, anh là cầu thủ hiếm hoi ở Việt Nam có nhiều hợp đồng quảng cáo bạc tỉ, đi sự kiện kiếm tiền liên miên.
Người ta nói CV9 là "triệu phú đô la”cũng không ngoa. Nếu tính cả Thủy Tiên - cô ca sĩ với hình ảnh sexy và thu nhập cũng tiền tỉ chỉ sau vài năm, cả hai không sai một li, một tí nào với nhận xét trên. Căn nhà mà cặp đôi được so sánh với "Beck -Vic Việt Nam” chọn làm tổ ấm cũng có giá cả triệu đô la, diện tích 300m2 ở quận 7, TP.HCM.
![]() |
Đấy là chưa kể một vài cái chung cư cao cấp cả hai có ở quận 2, căn nhà vài tỉ ở Kiên Giang Thủy Tiên mua tặng mẹ, căn chung cư cao cấp Vinh mua tặng cha, nhà xây tặng chị... Cuộc sống nhà đẹp, xe sang, phụ kiện đắt tiền (như đồng hồ hình rắn của Thủy Tiên giá 4 tỉ) quả là hào nhoáng, lộng lẫy với Vinh -Tiên.
Nhưng Vinh không sinh ra đã được sống trong hào nhoáng, lộng lẫy như vậy. Hãy nghe anh tâm sự một chút về quá khứ thông qua dòng hồi ức này: “Đám cưới chị năm Vinh 14 tuổi. Áo cũng mượn, quần cũng mượn đôi dép tổ ong mà cũng đi mượn nốt. Ngày đó mình nghèo và vất vả là thế, chỉ ước ao được ngồi trên ghế con con bên rìa sân nhặt bóng cho các anh đá chính trước đội là hạnh phúc lắm rồi. Có qua những ngày tháng khó mới biết quí trọng những gì mình đang có...”.
Một cuộc sống đúng kiểu của một “boy nhà nghèo" vùng quê cũng nổi tiếng còn nhiều khó khăn như Nghệ An của Vinh.Tiền đạo này sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh nhiều khốn khó, bố mẹ mỗi người một nơi và bươn trải nhiều nghề để duy trì cuộc sống qua ngày. Đúng như miêu tả của anh, ngày nhỏ anh thiếu thốn đủ thứ, mà toàn những thứ cơ bản nhất “quần, áo và 1 đôi dép (mà lại là dép tổ ong vốn dành cho người lao động bình dân)” đủ hiểu xuất thân của anh.
Vì gia cảnh khó khăn, Vinh đá bóng đá là con đường hay đúng hơn là cánh cửa để vượt - thoát nghèo. Nhưng cũng vì nhà nghèo thiếu thốn đủ đường mà Vinh suýt bật ra khỏi cánh cửa ấy. Khi còn nhỏ,Vinh có biệt danh là Vinh “còm”-biệt danh đúng với hình tướng.Và với chữ “còm” ấy, anh nhiều phen tưởng phải ngừng giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp nếu không có sự nỗ lực cực lớn để níu kéo giấc mơ mong manh.
Vinh từng tự nhận thành công là “99% nỗ lực”. Các chuyên gia cũng đánh giá, Vinh có được ngày hôm nay là do rèn luyện chứ năng khiếu không nhiều,chẳng hạn như Văn Quyến. Nhưng có năng khiếu mà không rèn luyện, gồm cả luyện tài và tính chuyên nghiệp thì cũng …vứt. Bằng nỗ lực, Vinh có hàng loạt những kỉ lục chuyên môn như 100 bàn ở V-League(cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử giải đấu tới nay)…
Vinh “còm” ra sức đẩy cánh cửa bằng nỗ lực gấp đôi, thậm chí nhiều hơn, các đồng đội để khẳng định mình ở tuổi 18 với việc được lên đội 1 SLNA.Ở đội bóng mà “ghế ít, đít nhiều như Nghệ An, việc một cầu thủ từ “còm”mà được lên đội 1 là cả một sự kiện trọng đại, một thành quả không nhỏ của cá nhân cầu thủ. Cánh cửa đổi đời hơi bắt đầu hé mở với Công Vinh.
CV9 bắt đầu lên tuyển các cấp độ cũng nhiều, thành tích cá nhân cũng có nhưng anh chưa bật lên thành ngôi sao thực sự mà vẫn lầm lũi ở phía sau những ánh hào quang. Có người nói, cái bóng của Vân Quyến (cũng là thần tượng một thời của CV) giai đoạn này quá lớn nên Vinh không thể bứt lên. Nhưng không hẳn, đơn giản vì thời cơ chưa tới với anh. Thời đã đến, chẳng ai cản được. Nhưng để bước sang trang mới, người ta cần có một thời cơ có tính bước ngoặt. Với Vinh - cầu thủ bóng đá, thì bước ngoặc là bàn thắng đẹp, cực kỳ quan trọng, ở thời khắc vô cùng quan trọng trong một trận đấu ý nghĩa lịch sử của cả dân tộc: trận chung kết AFF Cup 2008.
Bàn thắng đầu trong trận chung kết 28-12-2008 mãi đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Cú đánh đầu cân bằng tỉ số 1-1 từ đường chuyền của Minh Phương mang về chiếc cúp vô địch chờ đợi, chiếc cúp vô địch khao khát. Có người nói vui “thách CV9 thực hiện được cú đánh đầu đó”. Khỏi thách thì Vinh cũng mấy lần thừa nhận bàn thắng là kết hợp nhiều yếu tố, gồm cả yếu tố may mắn. May mắn không thể thiếu trong bóng đá và không thể thiếu trên con đường công danh của mỗi người. Vinh có được điều đó trong một phút thăng hoa để rồi vụt lên thành ngôi sao sáng.
Nhưng nếu chỉ “ăn mày dĩ vãng” mãi cũng không bao giờ tạo nên một CV9 như hiện nay. Những bước đi tiếp theo sau đó của tiền đạo sinh năm 1985 này thực sự đáng khâm phục. Bàn thắng mở toang cho anh cánh cửa bước sang trang mới, trang anh mong đợi. Rất nhanh chóng, anh nắm rất chắc và đi những bước chắc chắn không kém.Vinh xây dựng cho mình một thương hiệu “CV9” đúng nghĩa, như một nhân vật trong giới showbiz vẫn thường làm: có thành công, có thất bại, có nụ cười, có nước mắt, có hiền hòa, có tai tiếng, có cao trào, có tháo nút thắt….Nói chung, không ai có thể quên được anh .Và sau này kết hợp với Thủy Tiên (hoặc ngược lại) thì càng trở nên hoàn hảo. Bộ đôi triệu phú đô la ra đời.
![]() |
Vinh cầm tiền tỉ đầu tiên khi rời quê hương Nghệ An tới HN T&T với 7 tỉ đồng – con số khủng khiếp bấy giờ. Rồi anh lại có 13 tỉ từ bầu Kiên khi rời HN T&T tới CLB Hà Nội. Qua CLB Sapporo thi đấu, anh có thêm 1 tỉ. Từ SLNA về Bình Dương, Vinh có 8 tỉ. Tiền cứ tới khi con người ta chịu khó lao động và thông minh trong cách lao động. Vinh “còm" xứng đáng có những gì mình đang sở hữu bằng việc “thông minh trong cách lao động”.
Phượng “ngủ đâu cũng sợ dột”
Công Phượng - cầu thủ vụt sáng thành ngôi sao đến mức “không có nổi 2 phút tự do khi ra đường” cũng tương tự như CV9, nhưng chưa "sang” (không phải sáng) bằng. Chưa “sang" bằng chỗ nào? Chủ yếu ở yếu tố vật chất. Vinh, như đã biết, nhà cửa, xe cộ, vật dụng và một tổ ấm thực sự là niềm mơ ước của nhiều người bằng tuổi anh, thậm chí là hơn tuổi anh. Phượng thì vẫn chưa có gì, ngoại trừ tên tuổi và có chút đóng góp cho bố mẹ xây lại căn nhà mới với giá chỉ tầm 400 triệu (không bằng số lẻ trong con số 1 triệu đô mà Vinh - Tiên bỏ ra mua đất, xây nhà).
![]() |
Phượng cũng tìm đến bóng đá vì đam mê, và rồi thì thấy ở đó có con đường thoát nghèo. Yếu tố hơi vật chất một chút xếp sau cho đam mê bởi với cầu thủ ở Đô Lương-Nghệ An, anh “mê tít thò lò” quả bóng từ nhỏ. Ở đây, theo một số người am hiểu cả hai cầu thủ này qua tiếp xúc , Công Vinh dường như nhận thức hoàn cảnh sớm hơn Công Phượng. Phượng là đam mê, rồi thấy đó là con đường. Vinh người lớn hơn Phượng 10 tuổi, thì thấy đó là con đường và rèn luyện đam mê hơn.
CP10 của U-19 Việt Nam cũng có hoàn cảnh gia đình nghèo như hoàn cảnh nhà Công Vinh. Ở những năm 2007 rồi, vậy mà để có tiền làm lộ phí cho anh và cha lên Gia Lai thi vào Học viện HAGL, mẹ anh - bà Hoa phải bán heo, bán lúa, vay mượn hàng xóm chỉ với suy nghĩ “cho con thỏa đam mê”, chứ chẳng nghĩ xa xôi ngoài mấy ruộng ngõ, sào lúa, con trâu. Phượng có cái vui hơn Vinh ở tuổi thơ có lẽ là Phượng có đủ cả cha lẫn mẹ bên cạnh, hàng tối anh... chui vào ngủ chung với mẹ chứ nhất định không ngủ với anh chị.
![]() |
Nhà dột khi mưa gió còn chưa lo xong thì chuyện chẳng đủ ăn là bình thường ở gia đình ông Bảy, bà Hoa. Vì thế, Công Phượng có thân hình có lẽ còn “ròm" hơn cả Vinh "còm”. Vì thiếu ký mà Phượng bị loại khỏi lò Sông Lam, một điều còn tồi tệ hơn cả Vinh. Cái may của Phượng là anh có HAGL với cách tuyển nhân sự theo tiêu chí khác, theo công nghệ châu Âu nên anh mới có cơ hội như hôm nay. Anh ròm thật, nhưng khi các nhà tuyển trạch gặp bố anh và nghe giải thích là họ chọn ngay anh vì tin rằng đây chỉ do dinh dưỡng chứ không do di truyền. CP10 có vé vớt cho đam mê của mình, và sau đó là con đường để thoát nghèo.
Nhưng như CV9, CP10 cũng cần một bước ngoặt để đưa sự nghiệp mình sang trang mới, cao hơn. Bước ngoặt của Phượng là tại giải U-19 Đông Nam Á tại Mỹ Đình vào tháng 9 vừa qua. Nói là bước ngoặt là bởi trước đó, tuyển U-19 Việt Nam đã ra mắt cả năm trời nhưng cái tên Công Phượng vẫn chưa thực sự nổi bật thành sao sáng. Những đồng đội của anh như Xuân Trường, Tuấn Anh hay Đông Triều mới nổi bật hơn, đặc biệt là tiền vệ Tuấn Anh từng được một CLB ở Hy Lạp để ý. Tuy nhiên, bàn thắng của Phượng vào lưới U-19 úc tại Mỹ Đình bàn thắng mà nhiều người gọi là “siêu phẩm”, rồi so sánh anh với Messi, đưa anh lên đỉnh cao, như đàn anh Công Vinh với bàn thắng vào lưới Thái Lan 2008.
Từ bàn thắng này, chàng cầu thủ khá nhút nhát, hơi trầm tính này được săn đón như ngôi sao, "không có nổi 2 mét tự do khi ra đường" (lời thầy Giôm). Mọi nhất cử, nhất động của Phượng đều trở thành đề tài bàn tán. Những tấm hình chụp với bất kỳ cô gái nào cũng thành chủ đề "Công Phượng và hotgirl” với những nghi án tình ái được dựng lên. Câu chuyện về tuổi thật-tuổi giả của CP10 là anh sinh năm 1995 hay 1993 thành đề tài được bàn tán sâu rộng, tới mức có cả đại biểu Quốc hội cũng tham gia góp ý.
Phượng, như cái tên, nổi lên như một "báu vật” của làng bóng đá Việt. Tương lai, tài năng, thương hiệu... đều đang có trong tay anh. Điều thiếu duy nhất của Phượng lúc này là một cuộc sống “sang” như đàn anh cùng quê Công Vinh. Nhưng những gì Phượng nắm, có thể quy đổi ra tiền, rất nhiều tiền bất kỳ lúc nào. Vấn đề, anh và ê-kíp ở HACL tính toán cho anh đi những con đường chắc chắn, có hệ số an toàn cao để tránh đánh mất một tài năng mới chớm. Vinh mò mẫm rồi may mắn và đi lên với sự nhận thức tự mình. Còn Phuợng, anh có ê-kíp và có cả một tấm guơng là đàn anh để học những cái phù hợp.
Công Phượng nhận lương 20 triệu/tháng, chưa có lót tay. Công Vinh nhận lương 50 triệu/tháng, lót tay là “kỷ lục gia”. Song, Phượng có cái hơn Vinh. Đấy là tương lai là điểm xuất phát.
CV9 đã ở những buớc cuối sự nghiệp.CV9 đang ở những bước cuối sự nghiệp,như chính anh thừa nhận. CP10 lại đang bắt đầu hành trình ở tuổi đôi mươi đầy khát vọng, hoài bão…