Thị trường chuyển nhượng Serie A: Juventus khôn ngoan, AC Milan khốn khổ

14:03 Thứ năm 25/07/2013

Thống kê mới công bố của UEFA cho thấy AC Milan và Juventus là 2 trong số 4 CLB nhận được nhiều tiền nhất từ Champions League mùa giải vừa rồi. Khoản lợi nhuận thu được từ giải đấu danh giá nhất châu Âu giúp cho cả “Bà đầm già” lẫn Rossoneri có thêm một khoản chi tiêu đáng kể trên thị trường chuyển nhượng. Thế nhưng với những diễn biến trên phiên chợ mùa hè cho tới thời điểm này, có lẽ chỉ Juventus hài lòng với những khoản chi tiêu thông minh của họ.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Tính toán của “Bà đầm già”

Theo công bố của UEFA, Juventus nhận được tới 65,3 triệu euro từ Champions League mùa giải vừa rồi và là CLB có khoản doanh thu lớn nhất từ giải đấu. Để tiện so sánh, đội á quân Dortmund chỉ kiếm được 54,16 triệu euro, trong khi nhà vô địch Bayern (đội đã loại Juventus ở tứ kết) cũng chỉ thu lại 55,05 triệu euro.

Sở dĩ Juventus có được khoản thu khổng lồ này là do họ chỉ phải phân chia tiền bản quyền truyền hình với duy nhất một đại diện còn lại của Serie A là AC Milan (đội đứng thứ 4 trong danh sách khi kiếm được 54,1 triệu euro). Trong thời buổi kinh tế khó khăn, rõ ràng những thống kê về lợi nhuận đã đem đến cơn gió mát lành cho hai gã khổng lồ của bóng đá Italia.

Những bản hợp đồng khôn ngoan của Juventus

Từ trước khi những thống kê này được UEFA công bố, Juventus đã sớm tham gia vào thị trường chuyển nhượng để giành những lợi thế tiên phong. Đến thời điểm này, Antonio Conte và BLĐ “Bà đầm già” đã có thể xoa tay hài lòng với những gì đã đạt được. Từ đầu mùa chuyển nhượng, Juventus đã chi ra 23 triệu euro cho 2 bản hợp đồng được đánh giá rất cao Carlos Tevez (10 triệu euro từ Man City) và Angelo Ogbonna (13 triệu euro từ Torino). Trước đó, họ đã sở hữu Fernando Llorente mà không mất một xu nào.

Theo cựu danh thủ Angelo Di Livio phân tích trên tờ La Gazetta, BLĐ Juventus đã đi những nước cờ rất khôn khéo để đem về sân Juventus Arena những lựa chọn tối ưu mà không mất quá nhiều kinh phí. Carlos Tevez và Fernando Llorente được đem về để giúp hàng công của “Bà đầm già” cải thiện khả năng gây sát thương đối thủ, điều mà những cầu thủ tấn công của họ đã không làm tốt trong mùa giải năm ngoái. Trong khi đó, Angelo Ogbonna là sự thay thế cho Andrea Barzagli, người đã bước sang tuổi 32 và là mắt xích yếu nhất trong hàng phòng ngự của Juventus.

Ở phía ngược lại, Juventus cũng sẵn sàng thải loại những người không phù hợp với đội bóng. Emmanuele Giaccherini là ví dụ điển hình. Tiền vệ năng nổ đã chơi rất hay trong màu áo ĐTQG tại Confed Cup lại không thể cạnh tranh một vị trí chính thức trong sơ đồ 3-5-2 ưa thích của Conte. Ngay khi Sunderland đặt lên bàn đàm phán 7,5 triệu euro, “Bà đầm già” gật đầu. “Thùng rác vàng” Felipe Melo cũng đã được tống khứ sang Galatasaray. Trong thời gian tới, rất có thể những cái tên “thừa thãi” như Fabio Quagliarella, Alessandro Matri cũng sẽ phải ra đi. Thậm chí, hai cầu thủ có nhiều ảnh hưởng trong mùa giải vừa qua là Vucinic và Giovinco cũng không nằm trong diện an toàn.

Chiến lược mua sắm của Juventus rất rõ ràng, đó là “không mua đắt, chỉ mua đúng và đủ”. “Bà đầm già” đã rút lui khỏi thương vụ Jovetic mà họ đã theo đuổi từ rất lâu ngay khi Man City nhảy vào cuộc. Juventus không thiếu tiền để đấu giá với đội bóng Anh, nhưng đó là sự phí phạm không cần thiết. Họ chuyển trọng tâm đến Zuniga, một mẫu cầu thủ chạy cánh cực kỳ hiệu quả, khỏe như trâu mộng và có thể đá tốt cả hai cánh.

Vậy 65,3 triệu euro có được từ Champions League sẽ được dùng vào việc gì? Theo lời chủ tịch Andrea Agnelli, khoản tiền này sẽ được đầu tư vào công tác đào tạo trẻ hoặc sẽ được “tiết kiệm” để chờ đợi một bản hợp đồng bom tấn thực sự cần thiết.

“Rossoneri” – rắn mất đầu

Trái ngược với Juventus, AC Milan lại đang cho thấy rõ sự thiếu hiệu quả trên thị trường chuyển nhượng. Hai bản hợp đồng đáng chú ý nhất từ đầu mùa hè của họ chỉ là hậu vệ trẻ Veraga và tiền vệ Andrea Poli, quá ít so với sự kỳ vọng của các CĐV. “Rossoneri” mới chỉ chi ra vỏn vẹn 11 triệu euro, trong đó có tới 6 triệu euro dành cho việc mua đứt Zapata từ Villarreal.

Đội hình của AC Milan tất nhiên chưa đủ tốt để họ tự tin đến mức thờ ơ với phiên chợ mùa hè. Thế nhưng hầu hết các thương vụ chuyển nhượng của đội chủ sân San Siro đến thời điểm này vẫn đóng băng một cách đáng lo ngại. Ngay cả những trường hợp cần phải phải thanh lý để hỗ trợ cho quỹ chuyển nhượng như Robinho, “Rossoneri” cũng không thành công khi Santos “lật kèo”.

AC Milan gặp khó trong thương vụ Honda

Sự chậm trễ đáng sốt ruột của AC Milan trên phiên chợ mùa hè có thể được giải thích bởi những thay đổi ở đội ngũ thượng tầng. Việc cựu chủ tịch Silvio Berlusconi bị tòa án Milan kết án 7 năm tù giam và cấm tham gia hoạt động chính trị suốt đời vì cáo buộc mua dâm gái gọi vị thành niên đã ảnh hưởng rất lớn đến những chiến lược của CLB. Cụ thể, toàn bộ số tiền mà họ thu được tại Champions League vẫn chưa thể đem ra chi tiêu khi đội bóng chưa có một ông chủ mới. Nguồn tin gần gũi với CLB cho hay người đang quán xuyến mọi công việc của AC Milan, phó chủ tịch Adriano Galliani trên thực tế chưa nắm đủ quyền hành để quản lý toàn bộ các khoản thu chi của CLB (AC Milan hiện đang được điều hành tạm thời bằng một hội đồng chủ tịch, mô hình giống như khi Berlusconi đắc cử chức vụ thủ tướng Italia).

Không có tiền trong tay, việc AC Milan “đo lọ nước mắm” cũng là điều dễ hiểu. Thương vụ hỏi mua Keisuke Honda từ CSKA Moscow là một ví dụ cụ thể nhất. Sự nhùng nhằng phía AC Milan đã khiến đội bóng Nga thực sự nổi giận. Nguồn tin mới nhất từ tờ La Gazetta cho hay cuộc gặp gỡ giữa Hiroshi, người đại diện và cũng là anh trai của danh thủ Nhật Bản; Fabrizio De Vecchi, đại diện của AC Milan và BLĐ CSKA đã không thể đi đến sự thống nhất cuối cùng khi đội bóng Nga kiên quyết không giảm giá bán Honda. Rất nhiều khả năng AC Milan sẽ chỉ có thể sở hữu danh thủ người Nhật sau khi bản hợp đồng của Honda với CSKA Moscow đáo hạn vào ngày 31/12 năm nay.

Sự bế tắc trên thị trường chuyển nhượng đang đẩy AC Milan vào một tình thế khó khăn. Juventus đang từng bước củng cố vững chắc đội hình, Napoli gây chấn động bằng hàng loạt bản hợp đồng chất lượng sau sự ra đi của Cavani. Nếu mọi chuyện không có gì thay đổi trong thời gian tới, “Rossoneri” gần như chắc chắn sẽ ở vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh với hai đối thủ sừng sỏ này tại Serie A 2013/14.
An Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục