![]() |
Toà án tư pháp châu Âu trong bản án ngày 4.10.2011 đã có cơ hội khẳng định rằng thực ra bản thân trận đấu bóng đá không phải là một tác phẩm để được bảo hộ bản quyền. |
Do đó, để được phép làm việc này các đơn vị trên sẽ phải xin phép VTV và được VTV đồng ý. Mặc dù sau đó, các đại diện từ phía VTV đã đính chính, làm rõ phạm vi quyền của VTV đối với giải bóng đá này tới đâu, song chắc hẳn công chúng cũng chưa thực sự thoả mãn với những thông tin xung quanh sự việc này và có nhiều câu hỏi chờ sự giải đáp thoả đáng.
Thực ra dưới góc độ của những người có chút ít tìm hiểu về lĩnh vực bản quyền truyền hình các giải bóng đá, tôi cũng có những băn khoăn và qua sự kiện này có một câu hỏi lớn được đặt ra cần phải có sự nghiên cứu, tranh luận để từ đó phần nào có sự thống nhất chung về mặt nhận thức, đó là liệu cái gọi là “bản quyền” dù là với đối tượng gì đi chăng nữa có triệt tiêu, ngăn cản, hạn chế một trong những quyền cơ bản của công dân, con người đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
Trong vụ việc này, trước hết cần làm rõ VTV có quyền gì đối với giải bóng đá Euro 2012 và giới hạn của quyền này tới đâu. Theo tìm hiểu của tôi, những tranh cãi về hình ảnh của một trận/giải bóng đá vốn dĩ được đặt ra từ lâu, và ngay cả ở những quốc gia phát triển nhất cũng có những sự lúng túng nhất định khi đánh giá, nhận định về vấn đề này. Các câu hỏi cơ bản là liệu một trận bóng đá có được coi là một tác phẩm được bảo hộ bản quyền, liệu các cầu thủ có được coi là những tác giả hay đồng tác giả của tác phẩm “trận đấu bóng đá” bởi người ta hay ví các cầu thủ như những nghệ sĩ sân cỏ, có sự khác biệt nào không giữa nghệ sĩ trong các lĩnh vực như ca múa nhạc, văn học, hội hoạ với các “nghệ sĩ sân cỏ”.
Cho tới gần đây, cuộc tranh luận này phần nào có lời giải đáp ở nước ngoài mà từ đó chúng ta cũng có thể có thêm thông tin để tham khảo. Toà án tư pháp châu Âu trong bản án ngày 4.10.2011 đối với các vụ việc số C-403/08 và C-429/08 đã có cơ hội khẳng định rằng thực ra bản thân trận đấu bóng đá không phải là một tác phẩm để được bảo hộ bản quyền, các cầu thủ không phải là tác giả hay các đồng tác giả của tác phẩm trận đấu. Đối tượng bảo hộ bản quyền ở đây là chương trình truyền hình trận đấu bởi nó có kịch bản, có người dẫn chương trình, có sự lựa chọn trong việc tường thuật trận đấu theo những cách riêng như đài truyền hình A sẽ quay chậm tình huống này mà không phải tình huống khác, sẽ quay cảnh khán giả đang biểu lộ những cảm xúc buồn vui hơn là tập trung vào pha bóng không quan trọng v.v. Tất cả những thứ đó, hình ảnh đó trong sự trọn vẹn sẽ được bảo hộ như một tác phẩm. Vì vậy cũng có thể coi một cách tạm thời chương trình giải bóng đá bao gồm các trận đấu, chương trình đồng hành v.v. như những tác phẩm được bảo hộ theo quy định về bản quyền và/hoặc quyền liên quan của tổ chức phát sóng.
Tuy nhiên ngay cả khi đã được bảo hộ với tư cách là tác phẩm thì chủ sở hữu của tác phẩm cũng không thể cấm công chúng tiếp cận với nó một cách tuyệt đối hay cực đoan. Xuất phát từ cách tiếp cận này ngay trong quy định về luật Bản quyền Việt Nam cũng đã quy định các trường hợp được phép sử dụng tác phẩm, ở đây là các chương trình truyền hình mà không phải xin phép, không phải trả nhuận bút hay thù lao như sử dụng/trích dẫn tác phẩm để bình luận hoặc minh hoạ, trích dẫn tác phẩm để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình (điều 25.1 luật Sở hữu trí tuệ). Nói tóm lại các trường hợp này có thể coi như một trong những dạng cụ thể của các quyền như tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền được tiếp cận thông tin của các cá nhân là các quyền có giá trị hiến định được ghi tại điều 69 của Hiến pháp năm 1992 hiện hành.
Chính vì vậy, vụ việc nêu trên lẽ ra sẽ không có gì ầm ĩ hoặc sẽ được nhìn dưới một khía cạnh khác, nếu những người trong cuộc thận trọng hơn trong những phát ngôn của mình trên cơ sở hiểu đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.