Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Cách đây không lâu, dư luận thể thao nước nhà đã cả mừng vì chiến tích của tay vợt trẻ Hoàng Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Đức Quỳnh cùng khoản đầu tư không biết mệt mỏi của Becamex, Hoàng Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Tay vợt này đã đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam với tư cách là nhà vô địch Đại hội thể thao trẻ châu Á.
Giới chuyên môn tin rằng, với cột mốc mà Hoàng Nam xác lập, quần vợt Việt Nam sẽ đủ tự tin để chinh phục những đỉnh cao lớn hơn. Niềm tin ấy là có cơ sở khi mà Liên đoàn Quần vợt bằng những nguồn khác nhau đã thuê được HLV nổi tiếng Michael Baroch (người Australia) sang hướng dẫn cho đội tuyển quần vợt Việt Nam trước thềm Davis Cup. Tuy nhiên, đến buổi tập thứ 2 nhưng đội tuyển quần vợt vẫn chưa đủ người. Chỉ có 6/9 vận động viên được triệu tập có mặt tại Trung tâm thể thao Quốc phòng II, TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, HLV trưởng Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam chưa có mặt cùng đội tuyển là do chưa nhận được quyết định triệu tập. Vắng những nhân vật chính, thậm chí là quân át chủ bài, kế hoạch đầy tham vọng của quần vợt Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản.
![]() |
Chuyên gia Michael Baroch huấn luyện cho các tay vợt Việt Nam. |
Hãy vì cái chung
Người ta đang nêu ra rất nhiều lý do khiến kế hoạch tập luyện cho Davis Cup bị phá sản. Đầu tiên là việc HLV trưởng Trần Đức Quỳnh tự ái vì bị can thiệp về công tác chuyên môn. Ông không được tự tay chọn VĐV lên tuyển bởi sự can thiệp quá sâu từ ban chuyên môn của Liên đoàn Quần vợt. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự trái khoáy này là do có những bất đồng vốn chưa được thu xếp giữa Bộ môn quần vợt Tổng cục TDTT với Liên đoàn Quần vợt. Ông Trưởng bộ môn quần vợt Đoàn Quốc Cường còn cho rằng, ý kiến đóng góp của mình đã không được Liên đoàn lắng nghe.Ngay tức thì, Liên đoàn Quần vợt cũng có những phản pháo. Họ nói rằng mình không nhận được sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý quần vợt. "Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại", người ta tự hỏi, không biết đến bao giờ những bất đồng giữa Liên đoàn Quần vợt với Bộ môn quần vợt mới đến hồi kết thúc. Bởi, nếu những người có tiếng nói quyết định mà không thể tìm được tiếng nói chung thì không biết đến bao giờ quần vợt Việt Nam mới có thể cất cánh. Thêm nữa, khi những người có tiếng nói vẫn còn “tự ái” và cứ mải tranh luận thì rất có thể, trong nội bộ đội tuyển quần vợt sẽ xuất hiện tình trạng, "quân anh, quân tôi" vốn đã làm xấu hình ảnh của một bộ môn khác, đó là bóng bàn Việt Nam.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải nhập cuộc một cách rốt ráo và quyết liệt để dập tắt ngay tình trạng mà dư luận vẫn từng gọi là "cát cứ", "lợi ích nhóm" ở quần vợt Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.