![]() |
Cách thức này nghe qua khá lạ nhưng đã được ban tổ chức giải cầu lông Ấn Độ India Badminton League (IBL) thực hiện thành công. Với mức giá khởi điểm là 25.000 USD cho các tay vợt có thứ hạng từ 6 đến 12 thế giới, CLB Pune Vijetas đã giành được chữ ký của Tiến Minh với mức 44.000 USD. Vậy là Tiến Minh có trong tay 1 tỷ đồng khi thi đấu khoảng 2 tuần cho CLB này tại giải IBL (diễn ra từ 14 đến 31-8-2013).
Sau khi vô địch giải Mỹ mở rộng tuần trước, Tiến Minh thăng hạng 7 thế giới, thứ hạng cao nhất mà anh có được đến thời điểm hiện nay. Cũng nhờ thành tích này mà anh càng được các CLB lớn săn đón. Uy tín của IBL được khẳng định khi ở đây tập trung hầu hết các tay vợt mạnh nhất thế giới, trong đó có tay vợt số 1 Lee Chong Wei người Malaysia (với mức đấu giá 135.000 USD).
Có thể thấy điều hết sức rạch ròi trong thể thao chuyên nghiệp là thành tích càng cao thì giá trị càng lớn. Sự phấn đấu, khổ luyện và tinh thần học hỏi vươn lên của các vận động viên được ghi nhận một cách cụ thể. Dưới góc độ thể thao chuyên nghiệp, Tiến Minh đã làm ra tiền bằng chính khả năng của mình.
Nhưng có mấy ai trong làng thể thao chuyên nghiệp Việt Nam kiếm được tiền như cái cách của Tiến Minh. Mới đây, tuyển thủ bóng đá Công Vinh sang Nhật thi đấu bằng bản hợp đồng ngắn hạn với mức lương khoảng 7.000 USD/tháng. Đây là mức lương trung bình của giải hạng nhì Nhật Bản.
Chưa bàn đến chuyện ngoài khoản lương trọn gói, Công Vinh sẽ ít có cơ hội có thêm các khoản lót tay, thưởng như ở V-league, thì chuyện anh sang Nhật thi đấu chưa hẳn vì lý do thuần chuyên môn. Vấn đề ở chỗ, tại V-league, Công Vinh là một siêu sao với mức thu nhập khủng so với các vận động viên thể thao khác.
Ngoài ra, sự tài trợ của các doanh nghiệp vào bóng đá nam cũng góp phần đưa các “siêu sao” như Công Vinh lên đỉnh thu nhập. Trong khi đó, một vận động viên đẳng cấp thế giới như Tiến Minh thì mức lương anh nhận mỗi tháng thấp đến mức ít ai dám nghĩ tới. Nhiều năm qua, kinh phí để anh có thể tham gia các giải cầu lông trong hệ thống tính điểm xếp hạng phần lớn do tự thân vận động, sự hỗ trợ của gia đình, một vài người tâm huyết với bộ môn cầu lông và những hợp đồng tài trợ cá nhân.
Muốn chuyên nghiệp thì phải có tiền, ngược lại tính chuyên nghiệp trong thể thao mới làm ra nhiều tiền. Chúng ta đã có nhiều môn được đầu tư cả núi tiền, mà điển hình là bóng đá nam, nhưng gặt hái là những thất bại. Vì vậy, cách kiếm tiền của Tiến Minh cũng đáng được khen.