![]() |
Tay vợt Lý Hoàng Nam. |
Đại diện cho đất nước hay đại diện cho chính mình?
Liên quan đến môn quần vợt, hồi cuối tháng 1 năm 2014, chính quyền tỉnh Hồ Bắc - quê nhà của tay vợt nữ số 1 Trung Quốc Li Na đã quyết định trao cho cô một tấm ngân phiếu trị giá 132.000USD. Phần thưởng này dành cho Li Na khi cô xuất sắc đoạt chức vô địch đơn nữ Australian Open 2014. Trước đó, Li Na đã nhận 2,3 triệu USD tại Melbourne.
Điều trái khoáy là khi chính quyền Hồ Bắc loan tin này, thay vì chúc mừng cô gái đã mang vinh quang về cho thể thao Trung Quốc, cư dân mạng Trung Quốc đã nổi giận và cho rằng: Tiền thưởng dành cho Li Na là tiền nộp thuế từ người dân và nó cần được sử dụng đúng mục đích hơn. Lý do là từ năm 2008, chính Li Na đã nói lời chia tay với hệ thống thể thao quốc gia Trung Quốc. Năm 2011, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cũng đã từng trao cho Li Na 600.000 tệ sau khi Li Na thắng Grand Slam đầu tiên ở Giải quần vợt Pháp mở rộng và cô dùng hết số tiền này làm từ thiện.
Năm 2008, Li Na tuyên bố không khoác áo tuyển quần vợt Trung Quốc, không phụ thuộc vào Liên đoàn quần vợt, tự bỏ tiền thuê HLV, tự trang trải các cuộc thi đấu quốc tế. Đã có thời điểm Li Na bị truyền thông tẩy chay khi tuyên bố “chỉ đại diện cho… chính mình."
Điều tranh cãi nảy sinh ở đây: Quần vợt là môn thể thao chuyên nghiệp, nếu mỗi VĐV có thể tự trang trải các chi phí, tự thuê thầy và không lệ thuộc vào Liên đoàn Quốc gia liệu có phải khoác áo đội tuyển một cách bắt buộc hay không?
Một thực tế khác, giải quần vợt đồng đội nam do Liên đoàn quần vợt thế giới ITF tổ chức lại không hấp dẫn những tay vợt chuyên nghiệp. Cách đây vài năm, tay vợt Kevin Anderson đã từ chối khoác áo tuyển Nam Phi dự Davis Cup. Thậm chí, Kevin Anderson còn chỉ rõ nguyên nhân rằng Liên đoàn quần vợt Nam Phi chẳng giúp gì cho sự nghiệp của anh, đặc biệt là tài chính nên Anderson không cảm thấy có trách nhiệm khoác áo đội tuyển.
Với những tay vợt chuyên nghiệp, việc có sự xuất hiện của Liên đoàn quần vợt QG không quan trọng. Họ vẫn thi đấu, vẫn cố gắng ở những giải lớn đơn giản chỉ vì… tiền.
Lý Hoàng Nam có đáng bị kỷ luật?
Trong cuộc họp báo giới thiệu về Davis Cup (diễn ra từ 14 đến 16.2 tới), đại diện Liên đoàn quần vợt Việt Nam tuyên bố Lý Hoàng Nam sẽ bị kỷ luật vì vắng mặt tại Davis Cup sắp tới.
Với nền thể thao còn nghiệp dư như ở Việt Nam thì chuyện từ chối khoác áo đội tuyển là một “tội” khá nặng. Chẳng hạn như ở môn bóng đá, cầu thủ được gọi lên đội tuyển nhưng từ chối với lý do không chính đáng thì sẽ bị cấm thi đấu ở các giải do Liên đoàn tổ chức, đồng thời sẽ phải nhận một khoản tiền phạt lớn.
Nhưng đó là bóng đá khi cầu thủ phải phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống thi đấu của Liên đoàn. Với quần vợt thì không dễ như vậy vì có những tay vợt thi đấu tốt mà không cần đến vai trò của Liên đoàn quần vợt. Chẳng hạn, đó là trường hợp Nguyễn Hoàng Thiên. Hoàng Thiên được gia đình đầu tư hàng triệu USD để trở thành một tay vợt chuyên nghiệp trong khi Liên đoàn chỉ “góp tay hỗ trợ”.
Với Lý Hoàng Nam, hiện tay vợt này đang được Becamex IDC đầu tư chịu chi phí tập huấn và có những kế hoạch riêng. Nên nhớ, ở lần tập trung trước, Lý Hoàng Nam cũng không góp mặt với lý do sẽ bận tập huấn để dự giải trẻ Australian Open (nhưng cuối cùng Hoàng Nam cũng không dự).
Việc Nam không dự đội tuyển năm nay cũng có nhiều ý kiến trái ngược. Thậm chí có ý kiến ủng hộ việc “quay lưng” của Hoàng Nam với đội tuyển (thực tế là quay lưng với Liên đoàn quần vợt Việt Nam) vì lâu nay, Liên đoàn quần vợt Việt Nam vẫn làm việc kiểu “bề trên” đầu tư ít nhưng lại muốn… hái quả.
Chuyện Hoàng Nam lại khiến người ta nhớ đến trường hợp Tiến Minh. Tay vợt Tiến Minh này từng có thời gian tự bươn chải xin tài trợ để thi đấu quốc tế và vai trò của Liên đoàn khá mờ nhạt.
Song, dù nói gì thì nói, thể thao Việt Nam rất khó chấp nhận kiểu hành xử như Li Na, tức là thi đấu chỉ đại diện cho… chính mình chứ không cho đất nước và việc phải đưa ra một án phạt cũng là tránh những tiền lệ sau này.
Một mặt, chính các Liên đoàn cũng cần xem lại kế hoạch và hệ thống đầu tư của mình để việc khoác áo đội tuyển thực sự là niềm tự hào, để cống hiến chứ không nặng nề như tấm áo trách nhiệm.