![]() |
HLV Loew hướng dẫn các học trò trong một buổi tập |
Mỗi trận đấu của đội tuyển Đức luôn là một dấu ấn mới của HLV Loew. Là niềm vui, và cũng là thách thức cho chặng đường sắp tới.
Đội tuyển Đức đã 3 lần vô địch thế giới, cũng 3 lần vô địch châu Âu, với sự dẫn dắt của những HLV mà tên tuổi đã đi vào lịch sử. Loew chưa đưa về một danh hiệu nào cả. Thế nhưng, người Đức hầu như thống nhất rằng, chưa có HLV nào để lại nhiều dấu ấn trong đội tuyển như Loew. HLV Loew có triết lý bóng đá mới, phù hợp với đặc trưng xã hội cũng như trình độ công nghệ. Trong mỗi trận đấu Loew luôn tìm ra một chiến thuật phù hợp, và ông cũng chọn đúng người để thực hiện cái triết lý, cái chiến thuật của mình.
Klinsmann nhận định: ”Bóng đá Đức đã sản sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng mới. Loew là người hiểu thế hệ đó nhất”. Thế hệ này có cách nghĩ, cách cảm nhận, cách chơi bóng không giống như những thế hệ trước. Loew tận dụng được tất cả các yếu tố sức mạnh mới, và đó là nguyên nhân khiến những quyết định về nhân sự của ông bao giờ cũng chính xác, giúp ông thực hiện các ý đồ chiến thuật khác nhau rất có hiệu quả. Chúng ta từng chứng kiến nhiều lúc đội Đức rơi vào khó khăn, nhưng bao giờ họ cũng tìm ra cách để vượt qua, lẽ đương nhiên bao giờ cũng có chút may mắn.
Tại World Cup 2010, đội Đức có những thắng lợi tưng bừng trước Anh và Argentina. Khi đó, Đức chơi một thứ bóng đá tấn công rất hấp dẫn, với tốc độ cao và những khoảng không gian rất rộng. Trong các trận tiếp theo ở vòng loại EURO 2012, Đức luôn chủ động tấn công sớm, giành kết quả nhanh sau khi ghi được nhiều bàn thắng. Lúc đó, Loew đã tận dụng lợi thế để thử nghiệm các sơ đồ khác nhau: lúc thì hệ thống 4-1-4-1 với 4 tiền vệ tấn công đứng ngay sau 1 tiền đạo mũi nhọn, lúc lại dùng một cơ chế phòng ngự chỉ gồm có 3 hậu vệ, thi thoảng lắm cũng có lúc đá 2 tiền đạo. Người ta nghĩ, càng tấn công mạnh lại càng tốt hơn. Các trận giao hữu thắng đẹp trước Hà Lan và Brazil như khẳng định quan niệm này.
Bây giờ, chúng ta như không còn thấy thứ bóng đá đẹp mắt ấy nữa. Loew cần một sự kết hợp giữa tấn công và phòng thủ, giữa mạo hiểm và chắc chắn, và trong 3 trận đấu bảng vừa qua, đội Đức đã thể hiện được sự cân bằng. Đó là điều cần thiết, vì bây giờ đối thủ đã biết rõ đội Đức: họ lùi về khá sâu bên sân nhà, không để cho Đức có một khoảng sân đủ lớn, một không gian đủ rộng để chơi bóng. Đội Đức phải có một đức tính mới: sự kiên nhẫn, tính kỷ luật. Nhiều khi Đức chọn lối chơi không bão táp mà rình rập. Và họ đã thắng cả 3 trận. Chính là nhờ Loew.
Ở Ba Lan, Loew luôn cho các cầu thủ tập trong điều kiện biệt lập. Báo chí chỉ được có mặt nhiều nhất là 15 phút đầu tiên, rồi phải rời sân sau những bài khởi động đơn giản. “Bí mật quân sự” đương nhiên phải giữ gìn. Nhưng Loew luôn tạo cho cầu thủ có một cuộc sống tự nhiên, không căng thẳng. Họ được gặp gia đình.
HLV tiến hành nhiều cuộc nói chuyện, riêng tư với từng cầu thủ, hay chung với cả đội. Đội ở trong khách sạn 5 sao, có bàn chơi bida, có khoảng thư giãn trong vườn, có phòng xông hơi, có cả giáo viên dạy Yoga sẵn sàng phục vụ riêng cho từng cầu thủ, có những bài tập đặc biệt để tăng cường sức mạnh tinh thần, để bán cầu đại não có khả năng “nối mạng tốt hơn” nhằm nâng cao tốc độ xử lý và hành động trong trận đấu… Không có chuyện cấm đoán hay khổ hạnh. Loew và Bierhoff muốn các cầu thủ của mình thành công và hạnh phúc.
Trước khu khách sạn của đội Đức, người ta dựng lên một tấm lều trắng, rộng 1.200 mét vuông, là địa điểm giao tiếp của đội với thế giới bên ngoài. Đây chính là nơi mọi người biết đến hình ảnh của đội Đức, qua các cuộc họp báo có hàng trăm phóng viên, hàng chục máy ảnh, và 25 camera truyền hình. Cầu thủ Đức xuất hiện bao giờ cũng tươi cười và tạo ra ấn tượng tự tin.
Một phóng viên hỏi rằng: ”Cảm tưởng của chúng tôi là đội bóng này như một baby của ông vậy?”. Loew đáp ngay: “Đúng như thế. Từ năm 2004 chúng tôi đã tìm thấy nhau, lớn lên cùng nhau, và sẽ còn trưởng thành nữa”. Chúng ta chúc mừng sự trưởng thành ấy, cho dù biết bóng đá là khó khăn và không có gì đảm bảo cho thắng lợi.