Trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2024 trên sân Rajamangala (Thái Lan) tối 5/1, tiền đạo Nguyễn Xuân Son gặp chấn thương nghiêm trọng ở phút 32 sau một pha rướn người chuyền bóng.
Cú tiếp đất bằng chân phải khiến xương chân anh bị gập lại, dẫn đến đau đớn tột độ. Xuân Son ngay lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu, để lại sự tiếc nuối dù tuyển Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc.
Nhiều người thắc mắc, vì sao pha bóng không có va chạm với đối thủ lại gây hậu quả nặng nề như vậy?
Bác sĩ Trần Anh Vũ, chuyên gia Y học thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phân tích nguyên nhân từ ba khía cạnh chính.
1. Gãy do stress (nứt xương do căng thẳng): Chấn thương có thể là hậu quả của việc luyện tập và thi đấu quá tải, khiến xương không có thời gian hồi phục. Căng thẳng lặp đi lặp lại trên xương, đặc biệt ở vùng chân, dễ dẫn đến các vết nứt nhỏ. Qua thời gian, những vết nứt này tích tụ và có thể gây gãy xương khi gặp lực tác động mạnh.
2. Lực cơ tác động vào xương: Các cơ như đùi, chân và bụng khi hoạt động mạnh, nếu không đồng bộ hoặc chịu lực ngược chiều, sẽ tạo ra lực ép lớn lên xương. Ở tình huống của Xuân Son, lực cơ khi rướn người có thể đã tạo áp lực vượt ngưỡng chịu đựng, làm gãy hoặc gập xương.
3. Lực bám giữa đế giày và mặt cỏ: Đế giày bám quá chặt vào mặt cỏ khiến chân bị "chôn" khi di chuyển hoặc đổi hướng đột ngột. Nếu vận động viên không trượt hoặc chuyển động đúng cách, lực dồn lên xương sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.
Chấn thương của Xuân Son là bài học cảnh tỉnh về việc cân bằng giữa tập luyện, nghỉ ngơi và lựa chọn trang thiết bị phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ cho các vận động viên.