
Sau khi U17 Việt Nam bất bại tại VCK U17 châu Á, trên mạng xã hội đang nổ ra cuộc tranh luận gay gắt xoay quanh câu hỏi: Tại sao các lứa U của Việt Nam thi đấu rất tốt nhưng khi trưởng thành lại dần bị bỏ xa bởi cầu thủ cùng trang lứa đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Đông?
Một khán giả đưa ra so sánh trực diện: “Đơn cử lứa U23 Thường Châu so với lứa U23 Uzbekistan, giờ nhìn lại thấy khác biệt rõ rệt.”
Dưới phần bình luận, nhiều người không ngần ngại nêu quan điểm khá thẳng thắn: “Lót tay hàng chục tỉ, vợ đẹp con xinh nên là không muốn cố gắng phát triển nữa. Về cơ bản lứa Thường Châu vào vẫn có phần may mắn. Nếu dùng lứa đó đá lại có khi thua đậm Úc.”
Thậm chí, có bình luận còn gay gắt hơn: “Nói thật các bạn đừng buồn: cầu thủ Việt Nam chả biết cố gắng gì đâu. Họ có tiếng một tí là chán bóng đá, tiền lót tay cao nhưng đá thì như gì, chả có gì hay ho cả. Nhìn cầu thủ Thái hơn hẳn, phát triển lâu dài.”
Một số phân tích chuyên sâu hơn chỉ ra điểm yếu ở tư duy hệ thống: “Lứa U mình phát triển tốt về kỹ thuật, nhưng chỉ đạt đỉnh tầm 25 tuổi, trong khi các nước phát triển thì 17-23 mới chỉ đang hoàn thiện. Đến 27-30 là giai đoạn đỉnh cao. Cầu thủ mình thì ở tuổi đó đã xuống dốc rồi.”
“Chênh lệch trình độ ở giải trẻ thường nhỏ hơn giải lứa trưởng thành do kinh nghiệm và tâm lý thi đấu còn non. Cầu thủ Việt để bứt lên tầm châu lục thì không thể đá ở V.League mãi được. Nhưng lót tay cao, gần gia đình, ai muốn mạo hiểm đi xa?”
Một ý kiến khác đưa ra góc nhìn quốc tế: “Môi trường thi đấu chuyên nghiệp ở Việt Nam không thể so với J.League, K.League. Bóng đá trẻ biên độ dao động lớn lắm. Tuyển Anh vô địch U20 World Cup năm 2017, Solanke là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Rồi thì sao... cũng không lên được.”
Tranh luận vẫn đang tiếp tục thu hút bình luận trên mạng xã hội, và cũng là một vấn đề đáng lưu tâm ở thực tế.