
Vị chiến lược gia người Ý mang trong mình "tư tưởng hệ" đầy toan tính, chậm rãi và phi cảm xúc. Và điều đáng nói nhất, đó là việc ông đang mạo hiểm đẩy mình ra xa khỏi chính lực lượng có thể bảo vệ ghế huấn luyện của ông: những cổ động viên Chelsea.
Từ lâu, NHM Chelsea đã định hình được khẩu vị bóng đá của họ – thứ bóng đá giàu năng lượng, trực diện, bốc lửa và đôi khi đầy hoang dã. Những ngày tháng với Mourinho, Conte hay thậm chí là Lampard đã khắc sâu trong tâm trí họ hình ảnh về một đội bóng chơi không ngại va chạm, sẵn sàng bóp nghẹt đối thủ bằng thể lực và tốc độ. Giờ đây, họ phải chứng kiến một đội hình sở hữu những ngòi nổ như Noni Madueke, Sterling hay Nkunku… chuyền ngang hơn 700 lần trước Legia Warsaw mà vẫn thua ngay tại Stamford Bridge.
Maresca không chỉ khiến các cầu thủ trở thành những đơn vị lập trình, ông còn đẩy trải nghiệm người xem về mức "toán học hóa". Chelsea - đội chỉ xếp thứ 7 trên BXH Premier League - hiện tại giống như đang chơi bóng theo một giáo trình lập trình vi mạch – nơi mọi quyết định đều phải đúng "template". Robert Sanchez không được chuyền dài dù trước mặt là khoảng trống; Tosin hay Colwill chỉ như những mắt xích trong hệ thống, chứ không còn là những cá nhân có thể bùng nổ.
Khi HLV người Ý phát biểu rằng “bóng đá thuộc về người hâm mộ”, nhiều CĐV đã tưởng rằng đây là dấu hiệu của một cuộc đổi mới. Nhưng không, chỉ vài dòng sau đó, Maresca lại khẳng định: “bóng đá thực ra phức tạp hơn thế”. Một câu nói như giáng thẳng vào cảm xúc người xem – những người đến sân không phải để giải bài toán xác suất, mà để sống trọn từng khoảnh khắc.

Tệ hơn, ông còn cho rằng “môi trường xung quanh” – tức những lời chỉ trích – đang cản trở quá trình triển khai hệ thống của mình. Một thái độ khó chịu, khép kín và đầy tính khinh thị dành cho chính cộng đồng đã gắn bó với đội bóng suốt nhiều thập kỷ. Trong mắt NHM Chelsea, điều này chẳng khác gì một lời thách thức.
Việc Maresca chưa bị sa thải cho thấy ban lãnh đạo Chelsea có thể đang đặt niềm tin vào một dự án dài hạn. Nhưng họ quên mất rằng một HLV, dù triết lý có hay đến đâu, nếu không tạo ra được sự đồng cảm từ khán đài, thì sớm muộn cũng sẽ bị đẩy đi. Stamford Bridge không phải phòng thí nghiệm chuột, và NHM Chelsea cũng không phải là đối tượng để Maresca thử nghiệm những phương trình kiểm soát bóng khô khan.
Một đội bóng như Chelsea không thể trở thành nơi để gò ép sáng tạo cá nhân thành những đường chuyền vô hồn. Một CLB từng chơi như thể mỗi trận là một canh bạc – giờ lại bị trói buộc bởi những con số và vòng lặp.
Và điều nguy hiểm nhất: Maresca dường như không hề quan tâm. Ông vẫn cười nhạt, vẫn phát biểu như thể mình đang đứng trên đỉnh của một tòa tháp tri thức, nhìn xuống thế giới đầy cảm xúc mà ông không muốn hiểu. Nhưng nếu còn tiếp tục thách thức lòng kiên nhẫn của khán giả Stamford Bridge, ngày ông bị “đuổi học” sẽ không còn xa.
Bóng đá, suy cho cùng, vẫn là của người hâm mộ. Và ở Chelsea, điều đó chưa bao giờ thay đổi.