
Dù phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ người hâm mộ và tình hình tài chính bết bát của Manchester United, gia đình Glazer vẫn kiên quyết không bán CLB.
Mới đây, khi được Sky Sports hỏi về khả năng rời Old Trafford, Avram Glazer chỉ đáp ngắn gọn: “Không”. Phát biểu này một lần nữa dập tắt hy vọng của người hâm mộ về một cuộc đổi chủ, dù trước đó, có tin đồn rằng họ sẵn sàng tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Kể từ khi tiếp quản Man Utd vào năm 2005 bằng hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính (leveraged buyout), nhà Glazer đã biến đội bóng thành một "cỗ máy gánh nợ". Theo thống kê mới nhất, Quỷ đỏ đã phải chi trả hơn 1 tỷ bảng tiền lãi suất trong gần 20 năm qua. Chỉ riêng mùa giải này, Man Utd đã mất 37 triệu bảng cho khoản chi này. Hiện tại, số nợ của CLB vẫn ở mức khổng lồ 516,5 triệu bảng, trong khi các quyết định sai lầm liên tiếp tiếp tục đẩy đội bóng vào tình trạng khó khăn.
Việc bổ nhiệm và sa thải liên tục các HLV và giám đốc thể thao là minh chứng cho sự quản lý kém hiệu quả của nhà Glazer. Man Utd, đội đang đứng thứ 15 tại Premier League, đã tiêu tốn 14,5 triệu bảng để sa thải Erik ten Hag và Giám đốc thể thao Dan Ashworth, chỉ vài tháng sau khi gia hạn hợp đồng với họ. Bên cạnh đó, CLB cũng có một thập kỷ mua bán cầu thủ thất bại, khiến tình hình tài chính càng trở nên bấp bênh.

Trước tình trạng này, Hiệp hội Cổ động viên Manchester United (MUST) đã lên tiếng chỉ trích sự điều hành của gia đình Glazer. “Manchester United có doanh thu hàng đầu thế giới nhưng vẫn gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng. Lý do chính là số tiền lãi suất khổng lồ, cộng với sự quản lý yếu kém trong hơn một thập kỷ qua”, một đại diện của MUST phát biểu. Họ cũng phản đối việc tăng giá vé vì cho rằng đây không phải giải pháp cho vấn đề tài chính của CLB.
Dù đã bán 25% cổ phần cho Sir Jim Ratcliffe và tập đoàn INEOS, nhà Glazer vẫn giữ quyền kiểm soát CLB với 69% cổ phần. Chủ yếu, giới chủ người Mỹ kiểm soát mảng kinh doanh của CLB. Tuy nhiên, nếu Man Utd tiếp tục sa sút cả trong và ngoài sân cỏ, áp lực từ người hâm mộ có thể ngày càng gia tăng. Câu hỏi đặt ra là liệu gia đình Glazer có thể tiếp tục bám trụ lâu dài hay không, hay cuối cùng họ sẽ buộc phải nhượng lại CLB khi không còn khả năng kiểm soát tình hình.