
Chiều ngày 1/4, trên phần sân chính của Mỹ Đình, hình ảnh gây sốc xuất hiện khi các trận đấu học sinh diễn ra liên tục.
Khu vực thi đấu được giới hạn trong một góc sân, sát đường biên dọc và gần khu vực kỹ thuật vốn dành cho các đội bóng chuyên nghiệp. Sự kiện thậm chí còn được phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Việc sân Mỹ Đình – công trình thể thao cấp quốc gia – được sử dụng cho các hoạt động ngoài thể thao chuyên nghiệp không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặt sân hiện nay đang trong tình trạng báo động.
Trận đấu gần nhất giữa Thể Công Viettel và Hoàng Anh Gia Lai ngày 30/3 chứng kiến các cầu thủ phải thi đấu trên mặt sân loang lổ, cỏ úa vàng và nhiều khu vực mấp mô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyên môn và an toàn thi đấu.
Trong bối cảnh đó, việc để học sinh thi đấu trên chính mặt sân này tiếp tục làm dấy lên làn sóng lo ngại. Đặc biệt, chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa – ngày 5/4 – Thể Công Viettel sẽ tiếp đón Quảng Nam trong khuôn khổ V.League. Câu hỏi đặt ra là liệu mặt sân có thể kịp phục hồi?
Sáng cùng ngày, VPF đã gửi văn bản đề nghị CLB Thể Công Viettel phối hợp với ban quản lý sân Mỹ Đình, tạm dừng mọi hoạt động trên mặt cỏ và gấp rút thực hiện các biện pháp chăm sóc, cải tạo. Tuy nhiên, Viettel chỉ là đơn vị thuê sân, không có quyền can thiệp sâu vào công tác bảo trì.
Tình trạng sân Mỹ Đình xuống cấp là hậu quả từ nhiều nguyên nhân: vừa tổ chức quá nhiều sự kiện không chuyên, vừa thiếu quy trình bảo dưỡng hiệu quả. Ngày 3/4 tới, ban tổ chức giải sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng mặt sân, nhưng với quỹ thời gian quá ngắn, khả năng cải thiện gần như là bất khả thi.
Trong khi chờ quyết định cuối cùng từ VPF, CLB Thể Công Viettel vẫn đang nỗ lực hết sức để đảm bảo trận đấu với Quảng Nam được diễn ra tại sân Mỹ Đình – một mong muốn vừa mang tính chuyên môn, vừa là câu chuyện niềm tin nơi sân nhà.
Tuy nhiên, tất cả sẽ còn phụ thuộc vào... mặt cỏ.