
Arsenal là một trong những câu lạc bộ đạt doanh thu cao nhất nước Anh, chỉ đứng sau Manchester United. Chính vì vậy, mỗi kỳ chuyển nhượng, truyền thông luôn bàn tán về việc đội bóng này nên chiêu mộ ai, đặc biệt là ở vị trí tiền đạo.
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với những ca chấn thương liên tục trong ở mùa giải năm nay, “Pháo thủ” vẫn thể hiện tương đối tốt tại Ngoại hạng Anh (tạm thời đứng thứ hai trên bảng xếp hạng) và lọt vào vòng 16 đội Champions League, điều đó cho thấy vấn đề không hoàn toàn nằm ở khả năng tấn công.
Truyền thông xứ sở sương mù, dù không trực tiếp làm việc cho các câu lạc bộ, vẫn liên tục đưa ra lời khuyên, mặc dù chẳng có bất kỳ kinh nghiệm nào trong quản lý bóng đá chuyên nghiệp. Họ nhấn mạnh rằng Thomas Partey và Jorginho sắp hết hợp đồng mà không biết liệu các cuộc đàm phán đã diễn ra hay chưa.
Họ cũng liệt kê những cái tên như Bukayo Saka, William Saliba hay Gabriel Martinelli, rồi đặt ra nghi vấn về việc gia hạn. Nhưng sự thật là các câu lạc bộ không thể làm điều đó một cách tùy tiện. Nếu vội vàng, Arsenal có thể phải ký với một cầu thủ sắp dính chấn thương dài hạn hoặc sa sút phong độ.
Khi một ngôi sao rời đi theo dạng tự do, truyền thông thường đặt câu hỏi tại sao đội bóng không sớm gia hạn. Nhưng thực tế, đôi khi chính cầu thủ hoặc người đại diện cố tình trì hoãn để tìm kiếm một lời đề nghị tốt hơn. Đây là lý do mà nhiều hợp đồng bao gồm điều khoản tùy chọn gia hạn nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
Bất kể hành động ra sao, “Pháo thủ” luôn phải đối mặt với sự chỉ trích. Nếu ký hợp đồng dài hạn với một cầu thủ và anh ta gặp chấn thương hoặc sa sút, đội bóng bị đánh giá là kém cỏi trong quản lý nhân sự. Nếu chỉ ký ngắn hạn và cầu thủ đó tỏa sáng, họ bị buộc tội thiếu tầm nhìn.
Cách tiếp cận của truyền thông thường thiếu nghiên cứu, chỉ đơn thuần đưa ra suy đoán để thu hút sự chú ý. Hợp đồng bóng đá luôn là sự thỏa hiệp. Cầu thủ muốn lương cao hơn, gắn bó dài hạn nhưng cũng sẵn sàng ra đi nếu không còn được trọng dụng.
Ngược lại, đội bóng muốn giảm thiểu rủi ro tài chính, giữ quyền kiểm soát nhưng cũng cần đảm bảo cầu thủ không rời đi miễn phí. Trong bối cảnh đó, những câu lạc bộ lớn như Real Madrid có lợi thế khi không ngại trả số tiền khổng lồ để chiêu mộ bất cứ cái tên sáng giá nào mà không cần lo lắng về tài chính.

Huấn luyện viên Mikel Arteta từng nhấn mạnh rằng bóng đá không chỉ là việc ký hợp đồng với một cầu thủ giỏi mà còn phải xem xét sự phù hợp. Đây là điều mà truyền thông hiếm khi đề cập. Tuy nhiên, đại diện Bắc London vẫn tiếp tục bị chỉ trích vì không hành động đủ nhanh, dù thực tế là việc đàm phán diễn ra hàng ngày giữa câu lạc bộ và người đại diện.
Kết lại, việc gia hạn hợp đồng hay mua sắm cầu thủ không đơn giản như những gì báo chí mô tả. Đôi khi, chính cầu thủ hoặc người đại diện cố tình kéo dài quá trình đàm phán để tìm kiếm lợi ích tốt hơn. Do đó, việc chỉ trích câu lạc bộ vì "chậm trễ" hoàn toàn không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.