Bóng đá Việt Nam: Bãi chiến trường thực sự

15:28 Thứ sáu 10/02/2012

Nói không ngoa, khoảng thời gian qua, bóng đá Việt Nam là một "bãi chiến trường" thật sự khi những bất ổn dưới sân cỏ và trong hậu trường vẫn diễn ra triền miên, chưa biết khi nào mới có hồi kết.

Với những bất ổn từ câu chuyện bản quyền truyền hình, tên giải đấu, rồi vô số vấn đề phát sinh dưới sân cỏ hiện nay, liệu sự ra đời của VPF, đồng thời việc chuyển giao quyền quản lý, tổ chức cho các ông bầu có đúng với phương châm "cứ đi rồi sẽ thành đường" như lúc ban đầu đặt ra hay không?

Phải nói ngay rằng, lúc VPF ra đời, đồng thời VFF chuyển quyền quản lý và điều hành giải đấu cho tổ chức này đã có rất nhiều người nghi ngại.

Vấn đề bản quyền truyền hình vẫn diễn biến phức tạp

Bởi lẽ, như ở các giải T-League hay J-League, người ta đã giành rất nhiều thời gian công sức để nghiên cứu mô hình, cách tổ chức cũng như nhu cầu của khán giả... sau nhiều năm để cho ra đời các giải bóng đá tại Thái Lan và Nhật Bản. Nhưng ở Việt Nam, khoảng thời gian đó được gói gọn vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng kể từ ngày bầu Kiên có bài phát biểu "long trời lở đất" tại lễ tổng kết V-League 2011 tới lúc tiến hành đại hội cổ đông lần 1 Công ty VPF.

Nói một cách đầy đủ, giải Super League có xu hướng học tập theo T-League và J-League nhưng khoảng thời gian nghiên cứu để cho ra đời Super League là vô cùng ngắn ngủi. Thậm chí theo sự nhìn của nhiều người thì sự ra đời của VPF chẳng qua là do VFF không thể làm khác đi được mà thôi.

Nhưng khi VPF ra đời có rất nhiều người đã tự động viên nhau "cứ đi rồi sẽ thành đường" hay đại loại như "làm rồi mới tính", hoặc "sai ở đâu sẽ sửa ở đó". Nhưng một sai lầm tai hại của bóng đá Việt Nam chính là việc các bên không ngồi lại được với nhau để thống nhất mọi chuyện ngay từ lúc VPF ra đời.

Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày giải đấu chính thức khai mạc, đó là khoảng thời gian không phải là quá dài, nhưng cũng đủ để người ta nhìn nhận lại những gì xảy đến với bóng đá Việt Nam trong khoảng thời gian trên.

Đấy là một "bãi chiến trường" thật sự, khi những bất ổn dưới sân cỏ và trong hậu trường vẫn diễn ra triền miên, chưa biết khi nào mới có hồi kết.

Đó là lối chơi đầy mùi bạo lực của các cầu thủ được ẩn nấp sau cụm từ chơi “quyết liệt và có khát vọng”,là sự yếu kém của Ban trong tài và ở ngay chính các trọng tài cầm còi ra sân điều khiển trận đầu. Đấy còn là mối bất hòa triền miên giữa VFF và VPF từ câu chuyện bản quyền truyền hình đến chuyện đổi tên giải đấu, là sự không đồng nhất quan điểm giữa Ban kỷ luật và Ban giải quyết khiếu nại, đồng thời đó còn là sự không đồng nhất về hợp đồng lao động giữa cầu thủ và CLB…

Bạo lực sân cỏ còn nhức nhối

Chừng ấy chuyện đã diễn ra chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng qua có lẽ đã đủ thuyết phục để khẳng định bóng đá Việt đang là một “bãi chiến trường” thật sự.

Người ta không nhìn thấy được sự đoàn kết chung sức chung lòng của hai tổ chức VFF- VPF để phát triển bóng đá Việt Nam. Nhưng người hâm mộ cả nước lại thấy được cuộc chiến khốc liệt giữa hai bên.

Đôi khi lại thấy, những “quan thầy thủ cựu” của cả hai tổ chức lên báo đài để phủ định hoàn toàn quan điểm của phía bên kia. Thậm chí cuộc chiến căng thẳng tới mức kinh động đến mức Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo.

Rõ ràng sự hỗn loạn của bóng đá Việt Nam trong thời điểm hiện tại, khổng phải hoàn toàn bắt nguồn từ việc VPF ra đời quá nhanh hay việc tổ chức này "lớn quá nhanh", hay toàn bộ do di chứng của quá khứ để lại. Mà nguyên nhân đầu tiên xét tới chính là từ mối quan hệ giữa VFF và VPF.

Vậy nếu cảnh bất hòa giữa VFF và VPF mãi chưa có hồi kết thì nền bóng đá của chúng ta sẽ trôi dạt về đầu? Liệu tư duy "cứ đi rồi sẽ thành đường" có phải lúc nào cũng đúng?
Phạm Mạnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục